Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập: Luật Giáo dục thôi thì chưa đủ!

(VOH) - Đại học Việt Nam còn mới lạ với mô hình tự chủ đại học so với các nước, đặt biệt là các nước phát triển có truyền thống giáo dục tự chủ lâu đời.

Tự chủ đại học hiện nay ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và vài đại học, công việc còn liên quan rất nhiều đến các Luật, bộ ngành khác: tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản công và ngay cả nội dung chương trình. Ý kiến trên được chia sẻ tại hội thảo khoa học “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập” diễn ra vào sáng 15/11. Sự kiện do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông và Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức. 

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đến việc tự chủ đại học và tự do học thuật, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, tự do trong nhận thức và lựa chọn các khả năng. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật, theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, đó là: “Đầu tiên chính là phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô. Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở đại học. Để quản lý chất lượng đầu ra, cần hình thành các tổ chức kiểm định do các hiệp hội đại học và hiệp hội chuyên ngành tạo ra. Còn tổ chức quản lý nhà nước thì kiểm tra đánh giá và cấp phép, hoặc thu giấy phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định ấy”

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh – chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ, đại học luôn mong muốn có tự chủ và tự do học thuật, tuy nhiên nó cũng hàm chứa nhiều nguy cơ. Tự chủ đại học có 4 phần chính là học thuật, tổ chức, tài chính và nhân sự. Theo ông, tự chủ đại học hiện nay ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và vài đại học, công việc còn liên quan rất nhiều đến các Luật, bộ ngành khác: tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản công và ngay cả nội dung chương trình. Để kiện toàn tự chủ đại học và xây dựng tự do đúng người nhằm phát huy nền giáo dục đại học nước nhà chắc chắn phải qua một quá trình, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự ưu tiên và tính khẩn trương của hệ thống. Ông chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ: “Để cho một mô hình tự chủ hoạt động, nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhiều luật bổ sung lẫn nhau, chặng hạn của họ là Luật hành chính, Luật nhân sự, Luật Tài sản, Luật thuế….Cả một hệ thống phải tham gia cùng giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ, nhịp nhàng”

TS Trần Đức Cảnh - Chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ

TS Trần Đức Cảnh - Chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, tự chủ đại học là vấn đề đã được nói từ rất lâu, vấn đề này cũng đã được đưa vào trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi: “Trường đại học không chỉ hoạt động tuân theo Luật giáo dục đại học còn là một thực thể, mà các hoạt động nào có luật tương ứng đó để điều chỉnh. Luật giáo dục đại học không thể giải quyết tất cả các hoạt động của trường đại học. Liên quan đến lĩnh vực của chúng ta, thì Luật giáo dục đại học đã sửa trước, còn một số luật mà chúng ta bàn đến như Luật Đầu tư công, Luật Tài chính, Luật Công chức viên chức thì đang và sẽ phải sửa. Nếu như các luật đồng bộ được với nhau, thì sẽ rất tốt”.

Bình luận