Chờ...

Từ năm học 2022-2023: TPHCM giảng dạy tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh các khối lớp

(VOH) - Từ năm học 2022-2023, TPHCM triển khai giảng dạy tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh các khối lớp, phấn đấu cuối năm học có 20% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế.

Nhằm thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030", ngành giáo dục và đào tạo TPHCM phấn đấu cuối năm học 2022-2023, tại các trường tiên tiến hội nhập, có hơn 90% học sinh được học và hơn 40% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông công lập khác, bộ môn Tin học đáp ứng hơn 40% nhu cầu học sinh, trong đó có hơn 20% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. 

Đối với năm học này, Sở cũng đề ra mục tiêu, 80% giáo viên dạy Tin học đáp ứng yêu cầu dạy học theo chuẩn quốc tế. 

Xem thêm: Kết hợp trực tuyến trong dạy và học tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học

tin học
Phòng máy tính của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức)

Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiến hành rà soát và trang bị, đảm bảo 100% các trường phổ thông có phòng máy tính, trong đó hơn 50% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu này, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM hướng dẫn các trường tổ chức dạy Tin học theo chuẩn quốc tế bằng nhiều hình thức như: dạy theo các mô hình dạy học 2 buổi/ngày, ngoại khóa, câu lạc bộ, dạy học tích hợp, dạy học tăng cường tin học, dạy học trong chương trình nghề phổ thông đối với lớp 11, lớp 8 (nghề tự chọn) trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, tự nguyện của học sinh và sự đồng thuận phụ huynh.

Các trường có thể tổ chức dạy chương trình tin học theo chuẩn quốc tế tích hợp chương trình dạy học môn tin học theo chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành, trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ thời lượng và chương trình tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đủ thời lượng dạy Tin học theo chuẩn quốc tế, đảm bảo thời gian dạy học các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, các trường có thể kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Theo Đề án "Nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021-2030", song song với việc triển khai thực hiện việc dạy môn Tin học theo chương trình hiện hành và theo lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới ngành Giáo dục TPHCM tiếp tục nghiên cứu, mở rộng việc triển khai thực hiện các Chương trình Tin học theo chuẩn quốc tế, khuyến khích đưa vào trường phổ thông nhiều chương trình theo các chuẩn quốc tế đa dạng nhăm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trong giai đoạn hiện nay, sẽ đưa vào giảng dạy tại trường phổ thông các chương trình nhằm khuyến khích học sinh đạt các chứng chỉ quốc tế của Certiport và ICDL. Cụ thể:

Các chương trình Tin học quốc tế theo chuẩn của Certiport

- Cấp Tiểu học: Tổ chức dạy học tăng cường Tin học để học sinh được hướng dẫn sử dụng tài liệu “Luyện tập Tin học - cùng IC3 Spark”. IC3 Spark Máy tính căn bản (lớp 3), IC3 Spark Các ứng dụng chủ chốt (lớp 4), IC3 Spark Cuộc sống trực tuyến (lớp 5) và Phần mềm ôn luyện GMetrix IC3 Spark; nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ IC3 Spark.

- Cấp Trung học cơ sở: Tổ chức dạy học chương trình tin học quốc tế IC3. IC3 Máy tính căn bản (lớp 6), IC3 Các ứng dụng chủ chốt (lớp 7), IC3 Cuộc sống trực tuyến (lớp 8) và sử dụng phần mềm ôn luyện GMetrix IC3 GS4; nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ IC3.

- Cấp Trung học phổ thông: Tổ chức dạy học tích hợp chương trình tin học hiện hành với Chương trình Tin học quốc tế MOS, MOS Word và MOS PowerPoint (lớp 10) và MOS Excel và ACA Photoshop (lớp 11) và sử dụng phần mềm ôn luyện GMetrix MOS; nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ MOS.

Các chương trình Tin học quốc tế theo chuẩn của ICDL

- Cấp Tiểu học: Tổ chức dạy học các nội dung: Làm quen với Thế giới số (lớp 3); Làm quen với các ứng dụng máy tính (lớp 4) và Làm quen với mạng trực tuyến (lớp 5); nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ “Digital explorer” của ICDL.

- Cấp Trung học cơ sở: Tổ chức dạy học các nội dung: Cơ bản về CNTT và TT và mạng trực tuyến (lớp 6); Xử lý văn bản (lớp 7); Sử dụng bảng tính, Làm quen với điện toán và lập trình I (lớp 8) và Sử dụng trình chiếu, làm quen với điện toán và lập trình II (lớp 9); nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ “Smart digital” của ICDL.

- Cấp Trung học phổ thông: Tổ chức dạy học các nội dung dung: An toàn và bảo mật CNTT và TT, Cộng tác trên mạng trực tuyến (lớp 10); Điện toán và lập trình (lớp 11) và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu (lớp 12); nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ “Computer and code” của ICDL.