Tuyển sinh 2018: Thí sinh chủ yếu lựa chọn tổ hợp môn truyền thống

Theo số liệu thống kê, gần 90% thí sinh sử dụng các tổ hợp môn truyền thống để tham dự thi tuyển THPT Quốc gia.

Thời gian qua, nhiều trường Đại học đã bất ngờ công bố đề án tuyển sinh các ngành với những tổ hợp môn lạ chưa từng thấy. Cụ thể, có trường ĐH dùng tổ hợp Văn - Sử - ĐỊa, Văn - Sử - Giáo dục công dân xét tuyển các ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin. Thậm chí có trường dùng các tổ hợp trên để tuyển sinh các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng...

Theo số liệu thống kê thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2018 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, gần 90% thí sinh sử dụng các tổ hợp truyền thống để tuyển sinh, có đến hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào lựa chọn. Thực tế, nhiều người lo lắng về sự xuất hiện của các tổ hợp xét tuyển lạ, thiếu tính khoa học, thậm chí mang lại nhiều rủi ro cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh sắp tới. Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Bộ đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu thực hiện đúng quy trình.

Ngoài ra, đối với những trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, Bộ sẽ tiếp tục tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình. Nếu không có căn cứ thuyết phục, Bộ có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của trường, kiểm tra - thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí, có thể yêu cầu dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo phải xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển lạ, không khoa học, không phù hợp, thậm chí chỉ nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo. Trên tình hình thực tế, có thể thấy thí sinh không có xu hướng lựa chọn các tổ hợp mới, lạ, chủ yếu lựa chọn những tổ hợp truyền thống.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ đã trao quyền tự chủ cho các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trên cơ sở đó, thí sinh có thể lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với điều kiện và năng lực của mình.

Hầu hết các trường đều dự kiến thời điểm thích hợp để công bố điểm sàn là sau khi có kết quả, phổ điểm thi THPT quốc gia trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Để không xảy ra tình trạng những trường cố tình lấy điểm đầu vào thấp, bất chấp nền tảng của thí sinh, Bộ đã chỉ đạo các trường cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm 2 năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ đi đôi với chất lượng đào tạo.

Bình luận