Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành này lại thấp hơn năm 2018.
Cụ thể, năm 2019 các ngành sư phạm sẽ tuyển khoảng 46.000 chỉ tiêu, tăng hơn 30% so với năm 2018 (35.500 chỉ tiêu). Việc xác định chỉ tiêu các ngành sư phạm dựa trên nhu cầu của các tỉnh, thành.
Năm 2019, nhu cầu đào tạo giáo viên của các tỉnh tăng hơn 63.000. Chỉ tiêu các ngành sư phạm chỉ chiếm khoảng 70% nhu cầu các tỉnh. 30% còn lại để các địa phương thu hút các sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm đúng ngành.
Trong khi đó, thống kê cho thấy nguyện vọng đăng ký vào các trường sư phạm năm nay giảm so với năm trước.
Theo thống kê cuối 2018, cả nước thiếu 76.000 giáo viên chủ yếu mầm non và tiểu học. (Ản minh họa: LH)
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin: Nếu chúng ta tính tỷ lệ/chỉ tiêu, thì năm trước, ở khối trung cấp có 14% nguyện vọng so với chỉ tiêu thì năm nay giảm chỉ còn 6%. Với cao đẳng, năm trước có 200% nguyện vọng so với chỉ tiêu, thì năm nay giảm chỉ còn 99%. Với đại học, năm trước có trên 560% nguyện vọng hay nói cách khác số dôi dư bằng 5,64 thì năm nay hệ số này chỉ là 4,57. Như vậy, số đăng ký vào sư phạm năm nay thấp hơn so với năm trước.
"Chúng tôi mong muốn các trường sư phạm và các tỉnh căn cứ vào nhu cầu của mình để tuyên truyền cho thí sinh, đặc biệt thí sinh giỏi đăng ký vào sư phạm, để đỡ thiếu giáo viên", bà Phụng nói.
Năm 2018, khối ngành sư phạm chỉ tuyển được 44% nhu cầu. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn giữ điểm sàn và các quy định về học lực nhằm siết chặt chất lượng, quyết không đánh đổi chất lượng lấy số lượng.
Tổng hợp thông tin từ các sở giáo dục cuối 2018 cả nước thiếu 76.000 giáo viên chủ yếu mầm non và tiểu học.