Ứng dụng GIS dự báo chất lượng không khí tại TPHCM

(VOH) - Hệ thống dự báo chất lượng không khí TPHCM thu hút sự chú ý tại hội thảo “Ứng dụng GIS toàn quốc 2018” do Viện Địa lý Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (27/10).

Tại hội thảo “Ứng dụng GIS toàn quốc 2018” do Viện Địa lý Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, 27/10, chia sẻ về Hệ thống dự báo chất lượng không khí TPHCM của nhóm nghiên cứu Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong lĩnh vực GIS (hệ thống thông tin địa lý).

Theo nhóm nghiên cứu, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP và một số vùng lân cận. Điểm mới của đề tài nghiên cứu là việc đồng bộ hóa dữ liệu (Assimilation) vệ tinh MODIS và dữ liệu quan trắc địa phương.

Quá trình mô phỏng và tính toán dựa trên dữ liệu phát thải từ các nguồn giao thông và công nghiệp, đây là 2 nguồn chính đóng góp tải lượng phát thải nhiều nhất vào không khí TPHCM. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình dự báo khí tượng và chất lượng không khí phù hợp với khu vực TP. Việc áp dụng dữ liệu camera trong hệ thống giám sát camera giao thông của TP là phương pháp mới phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân lực và thời gian. Ngoài ra, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vực lân cận và xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới. 

Ứng dụng GIS dự báo chất lượng không khí tại TPHCM

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến Ứng dụng tính toán mô phỏng chất lượng không khí TPHCM của nhóm nghiên cứu. 

Một số thử nghiệm dự báo được thực hiện cuối năm 2017, đánh giá so sánh với trạm khí tượng Nhà Bè cho thấy mô hình mô phỏng và dự báo đạt kết quả khá chính xác. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng chia sẻ: “Khi chúng tôi sử dụng các ảnh truy xuất từ hệ thống camera của TP thật ra chúng tôi cũng không thể truy xuất hết được. Thứ hai, khi chúng tôi tính toán tải lượng phát thải do giao thông hoặc các khu công nghiệp gây ra thì chúng tôi chỉ ước tính. Bước tiếp theo chúng tôi muốn thiết kế và xây dựng các sensor (cảm biến) có thể lắp trên các xe buýt, xe máy…..để chúng tôi thu nhận từ các sensor này chuyển về các trung tâm dữ liệu. Từ đó, chúng tôi biết được chất lượng không khí theo thời gian thực như thế nào để làm đầu vào cho bài toán mô phỏng khí tượng cũng như chất lượng không khí”

Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cũng đang tiếp tục triển khai các hệ thống quan trắc tự động, kết hợp các ứng dụng trực tuyến và các phần mềm theo dõi tự động chất lượng không khí trên điện thoại di động./.

Bình luận