Nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh để đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ mới, ngày 25/10, Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh năm 2017 đã được Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức.
Tại hội nghị, Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn lại công bố khả quan từ diễn đàn kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ năm 2017. Theo đó, TPHCM được đánh giá là một trong những TP năng động nhất thế giới.
Tuy vậy, trong một công bố khác lại đánh giá tính cạnh tranh và chất lượng sống của TPHCM khá thấp, xếp thứ 12/12 thành phố Đông Nam Á được khảo sát. Từ thực tế đáng buồn đó đã đặt ra cho đô thị này nhiều thách thức để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, từ năm 2016, lãnh đạo TP đã xác định mục tiêu hướng đến việc tổ chức đô thị thông minh là một trong những giải pháp để phát triển TP. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mô hình này đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công.
Năm 2014, Singapore đã công bố chương trình quốc gia thông minh, cùng thời điểm này chính phủ Ấn Độ công bố chương trình hành động xây dựng trên 100 thành phố thông minh ở đất nước này. Trong khi đó, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ cũng đã xây dựng đô thị thông minh hàng chục năm qua.
Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh năm 2017
Trước những băn khoăn liệu rằng xây dựng TP thông minh có phụ thuộc vào thu nhập bình quân đầu người hay không (Singapore thu nhập trên đầu người 50.000 USD, Ấn độ là 2.000 USD, còn VN chỉ có hơn 2.000 USD, riêng TPHCM là hơn 5.000 USD, một khoảng cách quá xa), Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Trên cơ sở đánh giá tiềm năng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tôi cho rằng TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước đều có thể xây dựng đề án để trở thành đô thị thông minh trong thời gian tới".
TPHCM tập trung vào 5 mục tiêu: Một là, sẽ làm tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Hai là, môi trường sống của ngừoi dân sẽ tốt hơn. Thứ 3, người dân sẽ tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý cuộc sống và trở thành chủ thể của quá trình phát triển. Thứ tư, người dân được phục vụ tốt hơn. Sau cùng, TP thông minh phải phát triển kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nhân lực.
Đồng thời với năm mục tiêu, một đô thị thông minh còn dựa trên 4 chủ thể, đó là chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị xã hội phải hành động.
Từ kinh nghiệm quốc tế, bước đầu TPHCM xác định một số các giải pháp nền tảng của đô thị thông minh. "Đầu tiên là chính quyền phải dự báo được dài hạn, nhận ra nguy cơ ách tắc, có khả năng đề xuất các chiến lược để giải quyết. Thứ 2, chính quyền phải có biện pháp liên kết doanh nghiệp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để mỗi người dân đều tiếp cân nhanh và rẻ nhất. Thứ 3, phát triển mạnh hạ tầng viễn thông và cơ sở lữ liệu lớn của TP. Thứ 4 – yếu tố quyết định: người dân phải là chủ thể của quá trình phát triển đô thị thông minh dựa trên sự hài lòng và đánh giá của họ", ông Nhân nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông David Wong- Chủ tịch ASOCIO - Tổ chức công nghiệp điện toán Châu Á- Châu Dại Dương – người đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông minh thương mại điện tử đã khuyến nghị về 3 thách thức cơ bản đối với các nước khi xây dựng đô thị thông minh: "Đầu tiên đó là xây dựng hạ tầng số, CNTT. Thứ 2 đó là chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực. VN rất may mắn khi có nhiều nhân tài trong ngành công nghệ thông tin nên khía cạnh nguồn nhân lực là chìa khóa cho sự phát triển thành phố thông minh. Thứ 3 đó là an ninh mạng trở thành cái bẫy, không chỉ là cái bẫy vật chất còn là cái bẫy số. Vì vậy, phát triển thành phố thông minh ko chỉ nhìn vào phúc lợi của chính phủ, doanh nghiệp, người dân mà còn là an ninh mạng. Đây thực sự là thách thức mà TPHCM nên chú trọng".
Làm sao để nhận biết chỉ số thông minh và đo đạc mức độ thông minh của một TP, ông David Wong cho rằng, có rất nhiều khía cạnh để đánh giá từ hệ thống dịch vụ công cho đến hạ tầng phúc lợi, y tế cho người dân đều cần phải xét đến.
Là một doanh nghiệp có thâm niên về công nghệ thông tin, ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty hệ thống FPT khẳng định: đơn vị này đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ công khai dữ liệu lớn (big data) - một yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh. Theo ông, TP chỉ nên lựa chọn những dữ liệu nào thực sự có lợi cho người dân, tạo ra các giá trị gia tăng cho xã hội: "Ví dụ trong lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực giao thông hay du lịch là những nơi đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Ở đây Nhà nước chỉ cung cấp dữ liệu thô, doanh nghiệp sẽ tham gia tổng hợp để đưa ra thông tin có ích, gần gũi".
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Nam Hải - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và Chất lượng – Bộ KH-CN cho biết: Bộ đang hoàn thiện xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để hỗ trợ cho vấn đề phát triển đô thị thông minh: "Năm 20017, Bộ tập trung đề ra bộ tiêu chuẩn lõi đưa ra những yếu tố cơ bản nhất về bộ chỉ số đánh giá Thành phố thông minh.. Dựa trên 2 cách rà soát hay xây dựng mới theo kinh nghiệm quốc tế".
Dự kiến, trong tháng 11, lãnh đạo TP sẽ công bố đề án phát triển TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Tổ chức công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Dại Dương cũng đã cam kết tham gia vào bức tranh kỷ nguyên số này với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, nhằm chia sẻ các ý tưởng, những cao kiến để "hiện thực hóa" một TP số trong tương lai không xa.