Xây dựng đơn vị học tập – Mô hình phát triển bền vững trong giáo dục đại học

(VOH) - Việc xây dựng Đơn vị học tập trong môi trường ĐH là cần thiết, giúp thúc đẩy hơn vai trò và sự tham gia của các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn dân.

Ý kiến được nêu bật tại Hội thảo “Xây dựng đơn vị học tập – Mô hình phát triển bền vững trong giáo dục đại học” do Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vừa diễn ra ngày 12/05.  

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản chỉ đạo quan trọng về xây dựng công dân học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập… đó là những nhân tố cốt yếu góp phần tạo nên một xã hội học tập trong cộng đồng.

Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Đơn vị học tập - Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là một trong năm trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thí điểm xây dựng Đơn vị học tập: “Xây dựng Đơn vị học tập tại cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá là một nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Cụ thể hóa Quyết định Thủ tướng chính phủ, Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là Quyết định 1373 ngày 30/7/2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trong đó có nêu nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học phải là nơi tiên phong trong chia sẻ tri thức, cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người”.

Xây dựng đơn vị học tập – Mô hình phát triển bền vững trong giáo dục đại học 1
TS Nguyễn Hồng Sơn (phải) tham gia Hội thảo trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội

Đánh giá về vai trò của các đơn vị học tập trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Hùng, Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng: “Việc áp dụng đơn vị học tập này nên được mở rộng và linh hoạt cho từng cơ sở giáo dục đại học. sau khi nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá và xếp loại các đơn vị học tập, chúng tôi thấy rằng ngoài các tiêu chí chung thì mỗi loại hình giáo dục nên có tiêu chí đánh riêng để làm cho việc xây dựng các đơn vị học tập ở các mô hình giáo dục đại học khác nhau đạt được hiệu quả cao nhất có thể”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, để xây dựng Xã hội học tập - Công dân học tập và Đơn vị học tập, ngành giáo dục không thể tự làm một mình mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải gắn với các phong trào khác. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ thêm: “Vừa rồi, chúng tôi có đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn phong trào xây dựng xã hội học tập với các mục tiêu của phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng như các phong trào phát triển bền vững khác. Chỉ có như vậy mới thành hoạt động chung của toàn quốc gia, toàn dân, toàn diện”.

Tại hội thảo, các đại biểu còn thảo luận xoay quanh các nội dung về xu hướng và mô hình chia sẻ tri thức, phát triển đơn vị học tập, xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập nhằm cung ứng cơ hội và tạo động lực học tập suốt đời cho mọi người….Qua đó, nhìn nhận các vấn đề, thách thức đang diễn ra trong lĩnh vực xây dựng và phát triển các đơn vị học tập tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước và trên thế giới, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng mô hình đơn vị học tập tại các trường đại học Việt Nam.