Xây dựng lối sống lành mạnh về thể chất cho người học

(VOH) - Đó là nội dung toạ đàm "Giáo dục lối sống trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vấn đề đào tạo giáo viên phổ thông" diễn ra sáng nay 23/5 tại Trường đại học Sư Phạm TPHCM.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý học, ĐHSP TPHCM, giáo dục lối sống là giáo dục cách cư xử, chuẩn mực văn hoá với thế giới xung quanh và với chính bản thân mình. Giáo dục lối sống rất quan trọng, vì lối sống sẽ  "ngấm" vào mỗi con người và kéo dài cả đời.

Giáo dục lối sống trong dự thảo được thực hiện thông qua nhiều môn học, nhưng chủ đạo vẫn là môn học giáo dục lối sống (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở), Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (cấp trung học phổ thông) và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Sầm Vĩnh Lộc, giảng viên khoa Giáo dục Thể chất, trường ĐHSP TPHCM cho rằng, bên cạnh giáo dục lý tưởng, đạo đức, phẩm chất... cần đưa Khoa học sức khoẻ trở thành một môn học. Thạc sĩ Lộc dẫn chứng, một nghiên cứu trên 600 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại quận 5 mới đây cho thấy 35% bị thừa cân béo phì. Trong khi, 2 năm trước, tỷ lệ này trong một nghiên cứu tương tự trên địa bàn thành phố là 30%.

"Điều kiện xã hội và thực trạng hiện nay, theo tôi, sức khoẻ của thế hệ tương lai gặp rất nhiều vấn đề trong khi hành động cụ thể có vẻ chưa đầy đủ. Vì vậy, giáo dục lối sống rất cần thiết ngay cả lứa tuổi mầm non", ông Lộc khẳng định. 

Thạc sĩ Huỳnh Cát Dung, giảng viên tâm lý học trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao cho rằng thể thao đóng góp cho sự phát triển nhân cách, lối sống của con người không kém các môn xã hội. Cụ thể, quá trình tập luyện thể thao góp phần giáo dục ý chí, sự chủ động, hình thành tác phong và thái độ con người. Tuy nhiên lối sống quan tâm đến rèn luyện thể chất chưa được nhìn nhận đúng:

"Ra công viên thì thấy sáng sớm, cũng như chiều tối đều có người luyện tập, có vẻ như người Việt Nam rất siêng tập thể dục. Nhưng thực ra phần lớn là người già, khi họ cảm thấy sức khoẻ đã yếu, mới đi tìm lại sức khoẻ. Các bạn gái đã thừa cân mới đi tìm lại vẻ đẹp của mình, chứ không phải tập thể dục vì mong muốn khoẻ mạnh từ bên trong để mang đến cái đẹp bên ngoài.

Cần làm sao để họ nhận thức điều đó, làm sao chúng ta có chương trình phù hợp để giáo dục thể chất phát huy được vai trò và chức năng của nó".

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐHSP TPHCM khẳng định đứa trẻ có cơ thể khoẻ mạnh thì 99% sẽ có tinh thần khoẻ mạnh

Đề cao vai trò giáo dục thể chất, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng, 3 yếu tố ba mẹ mong đợi ở con cái là: học giỏi, ngoan và khoẻ mạnh. Nếu bắt buộc phải lựa chọn bỏ bớt, ông sẽ chọn bỏ yếu tố học giỏi, trường hợp chỉ được giữ lại một yếu tố, ông sẽ giữ lại sức khoẻ.

PGS TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng: "Các nước phát triển, yêu cầu cực kỳ lớn trong trường phổ thông và đại học là thể chất. Các trường ở nước phát triển có sân chơi rất lớn, trong khi các trường Việt Nam phần lớn là nhỏ.

Trẻ con tập thể dục nếu xuống cùng một lúc là đứa nọ giơ tay chạm đứa kia, chứ không nói là tập thể thao. Trong khi đó, phần lớn các nước trên thế giới làm thể thao trong nhà trường, chứ không phải dạy thể dục. Trẻ con có cơ thể khoẻ mạnh chắc chắn đến 99% sẽ có một tinh thần khỏe mạnh". 

Phó giáo sư, tiến sĩ Hồng đề xuất, cùng với phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng, các khu dân cư, cần phải dành ưu tiên phát triển trường học, đầu tư giáo dục.