Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: thí sinh cần lưu ý gì?

(VOH) - Thí sinh còn rất nhiều cơ hội trúng tuyển đại học ở các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, những ngành học mới, hoặc trúng tuyển qua hình thức xét học bạ THPT. Tuy nhiên, để có tấm vé cuối cùng vào đại học ở đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh cần cân nhắc và tỉnh táo trước khi quyết định đăng ký vào ngành, trường nào.

Còn 150 trường đại học chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Một số trường đại học tốp trên do số thí sinh trúng tuyển không đến xác nhận nhập học cũng sẽ xét tuyển thêm ở đợt này.

Hiện nay, trước thông tin nhiều trường còn thiếu chỉ tiêu sau khi xét tuyển đợt 1, nhiều thí sinh dự đoán điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung sẽ giảm so với điểm chuẩn khi xét tuyển trước đây giống như năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay tình huống này sẽ không xảy ra, do phổ điểm thí sinh khá cao.

Cơ hội từ các trường chưa tuyển đủ

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhận định thí sinh phải có điểm từ mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 trở lên. Chỉ tiêu của các trường các ngành còn ít, thí sinh phải cân đối, theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang web của trường để đưa ra quyết định có nên nộp hay không nộp nguyện vọng bổ sung.

Cụ thể, nhiều trường đại học đều nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển với mức điểm bằng với điểm chuẩn của ngành đó ở đợt 1. Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành trình độ đại học có chương trình đào tạo 2 năm đầu tại cơ sở Nha Trang, Bảo Lộc, Cà Mau. Cơ sở Bảo Lộc điểm nhận hồ sơ xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị Kinh doanh, Luật là 18,25; Ngành công nghệ Sinh học 17,5 và Kỹ thuật phần mềm là 17. Hai cơ sở ở Nha Trang và Cà mau nhận xét tuyển tất cả các ngành đều ở mức 17 điểm.

Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành hơn 1.500 chỉ tiêu cho tất cả các ngành, cao nhất là ngành Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống 21 điểm, các ngành còn lại nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn 15,5 điểm cho đến 18 điểm.

Trường Đại học Bách Khoa TPHCM xét tuyển bổ sung 60 chỉ tiêu bậc cao đẳng ngành Bảo dưỡng công nghiệp, với mức điểm sàn xét tuyển từ 14 điểm trở lên. Đối với Trường Đại học Công nghệ TPHCM, riêng 3 ngành Thú ý, An toàn thông tin, Kinh doanh quốc tế nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ 15,5 điểm, mức điểm này thấp hơn trúng tuyển đợt 1 là nửa điểm. Còn lại các ngành khác đều nhận hồ sơ từ điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên.

Các trường có ngành học mới

Bên cạnh đó, những ngành học mới chưa được nhiều thí sinh biết đến, hoặc ngành vừa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học là những cơ hội tốt cho thí sinh dễ trúng tuyển, vì chắc chắn còn rất nhiều chỉ tiêu đang chờ đợi thí sinh. Đơn cử, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM còn khoảng 200 chỉ tiêu cho 3 ngành mới gồm: An toàn thông tin, Điều khiển và tự động hóa và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Mức điểm nhận hồ sơ học bạ là 18 và bằng kết quả thi THPT Quốc Gia là 16 điểm cho cả 3 ngành.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết năm nay trường có thêm 3 ngành mới là Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế và Ngôn ngữ Nhật. Nhà trường cũng sẽ xét tuyển bổ sung tất cả các ngành còn lại với mức điểm bằng với mức điểm xét tuyển nguyện vọng đợt 1.

Tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Kinh tế - tài chính TPHCM. Nguồn: UEF

Các trường địa phương

Ngoài ra, các trường đại học địa phương cũng còn nhiều chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Trường Đại học Xây dựng Miền Tây tuyển 285 chỉ tiêu các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý xây dựng - đô thị, Kỹ thuật công trình xây dựng... Điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển chung cho tất cả tổ hợp môn là 15,5 điểm.

Trường Đại học Bạc Liêu còn gần 200 chỉ tiêu đại học các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Khoa học môi trường. Trường Đại học An Giang tuyển bổ sung 520 chỉ tiêu bậc đại học cho 24 ngành. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bậc đại học từ 15,5 đến 21.

Trường Đại học Võ Trường Toản tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành Y đa khoa đại học chính quy với mức điểm nhận hồ sơ từ 18, điểm trung bình ba năm THPT của một trong các tổ hợp xét tuyển trên 7. Trường Đại học Tây Nguyên tuyển bổ sung cho 16 ngành đại học với hơn 400 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho tất cả các ngành 15,5 điểm.

Những lưu ý

Thí sinh cũng cần lưu ý, bên cạnh phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT Quốc gia, hiện các trường đều dành chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT. Theo Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó Trưởng phòng Tổng hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thí sinh nên lựa chọn cả hai phương thức xét tuyển, để có lợi nhất cho mình.

Cần lưu ý thêm, ở đợt xét tuyển bổ sung, các trường chủ động hoàn toàn trong việc xét tuyển. Vì vậy, nếu quan tâm đến ngành học của trường nào, thí sinh cần chủ động theo dõi thông tin chi tiết trên các trang thông tin điện tử của trường với những quy định cụ thể về điểm nhận hồ sơ, điều kiện nhận hồ sơ, thời gian công bố kết quả, cách thức nộp hồ sơ trực tiếp tại trường hay chuyển phát nhanh theo đường bưu điện, hoặc đăng ký trực tiếp trên hệ thống đăng ký của nhà trường…

Theo quy định chung, các trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đến ngày 15/08. Vì vậy từ bây giờ, để nắm bắt cơ hội vào đại học cuối cùng này, thí sinh cần tìm hiểu rõ cách thức xét tuyển và chuẩn bị kỹ hồ sơ đăng ký./.

Bình luận