Sáng 20/12, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Futabuslines) ra mắt 17 tuyến buýt kết nối với metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) có trợ giá hoạt động trên địa bàn TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, 17 tuyến buýt này sẽ chạy từ 5h sáng đến 22h đêm, tần suất từ 8 đến 15 phút, với các nhà chờ, điểm dừng được thiết kế phù hợp với lộ trình metro số 1.
Xe buýt điện được trang bị camera, bán vé tự động, thiết kế lên xuống cho người khuyết tật... Với kích thước nhỏ, gọn, xe buýt có thể di chuyển vào các khu dân cư, các tuyến đường nhỏ.
Trong 30 ngày đầu metro số 1 đi vào hoạt động chính thức, hành khách sử dụng các tuyến buýt điện này hoạt động miễn phí. Sau đó, TPHCM sẽ áp dụng giá vé thống nhất với các tuyến xe buýt khác trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh 17 tuyến buýt điện vừa ra mắt, để tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách đi lại, Trung tâm cũng đã điều chỉnh lộ trình của 44 tuyến xe buýt đang hoạt động để tăng tính kết nối đến các nhà ga của tuyến metro số 1.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, việc đưa 17 tuyến xe buýt điện kết nối vào hoạt động là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của TP, với mục tiêu mang đến cho người dân một phương tiện di chuyển an toàn, thuận tiện và tiết kiệm.
“Xe điện là xu thế phát triển tất yếu mà TPHCM hướng đến và TPHCM đang xây dựng mục tiêu từ nay đến năm 2030, 100% xe buýt phải là xe xanh và tập trung ưu tiên phát triển xe điện” - ông Lâm cho hay.
Ông Đào Viết Anh, Phó tổng giám đốc FUTA Group, kiêm tổng giám đốc khối vận tải - Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang cho biết, 150 xe buýt của 17 tuyến này là xe thuần điện thân thiện với môi trường, cùng với trang thiết bị hiện đại sẽ giúp cho hành khách thuận tiện kết nối với tuyến Metro số 1.
Những chiếc xe buýt này được sản xuất tại nhà máy Kim Long Motor – một trong những cơ sở sản xuất ô tô hiện đại nhất tại Việt Nam, thuộc Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để phục vụ 17 tuyến xe buýt điện, đơn vị đã chủ động tự đầu tư 2 hệ thống trạm sạc pin xe điện tại TP Thủ Đức ở Bãi xe trên quốc lộ 13 và trạm thứ 2 ở xa lộ Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có phương án kết nối với xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh và buýt sông.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam sắp xếp lại các trạm xe đạp công cộng tại quận 1, bố trí quanh các nhà ga ngầm metro và trang bị thêm xe để tăng tiện ích cho hành khách.
Tại khu vực 3 ga ngầm, xe điện 4 bánh sẽ hoạt động linh động về lộ trình và thời gian, dựa trên nhu cầu của người dân để giảm chi phí đi lại.
Buýt sông cũng được đề xuất kết nối với ga Ba Son, ga Tân Cảng.
Xe hai tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus để giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình thuận tiện.