Hãng ô tô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận giảm 35.000 việc làm, và giảm sản lượng nhà máy tại Đức gần 25% với các công đoàn hôm 20/12, song chưa có kế hoạch đóng cửa nhà máy ngay lập tức.
Vào đầu tháng 12, Volkswagen thông báo nhà máy Audi tại Brussels (Bỉ) sẽ ngừng sản xuất từ ngày 28/12, sau khi không tìm được giải pháp khác.
Ngày 26/11, Stellantis (tập đoàn sở hữu các thương hiệu Peugeot, Fiat, Ram, Maserati, Jeep...) thông báo đóng cửa nhà máy sản xuất xe của thương hiệu con Vauxhall tại Anh, khiến hơn 1.000 người có nguy cơ mất việc làm.
Tập đoàn này cũng đã nhiều lần tạm dừng hoạt động nhà máy ở Italy do sức mua giảm.
Hãng sản xuất ô tô Mỹ Ford cũng cho biết sẽ cắt giảm 4.000 việc làm, chủ yếu tại Đức và Anh, chiếm 14% lực lượng lao động của hãng tại châu Âu.
Daimler Truck, nhà sản xuất xe tải lớn nhất thế giới, thông báo giảm giờ làm việc và ngừng tuyển dụng các nhân viên trong hoạt động kinh doanh tại Đức.
Không chỉ các hãng ô tô mà hàng loạt nhà cung ứng linh kiện cũng cắt giảm nhân sự và đóng cửa nhà máy tại châu Âu. Như Feintool, nhà cung cấp linh kiện ô tô của Thụy Sĩ, thông báo sẽ đóng cửa nhà máy tại Đức và sa thải 200 nhân sự.
Nhà cung cấp phụ tùng ô tô Valeo của Pháp cũng dự kiến cắt giảm khoảng 1.000 việc làm tại châu Âu. Quá trình tái cơ cấu cũng sẽ dẫn đến đóng cửa 2 nhà máy tại Pháp.
Một công ty khác của Pháp là hãng lốp xe Michelin, lên kế hoạch đóng cửa 2 nhà máy ở miền tây nước này, ảnh hưởng đến khoảng 1.250 nhân sự.
Vào tháng 11 năm nay, công ty linh kiện Schaeffler (Đức) thông báo cắt giảm 4.700 việc làm tại châu Âu, chủ yếu ở Đức, sau khi lợi nhuận hoạt động quý III giảm gần 50%. Quá trình tái cơ cấu sẽ bao gồm việc đóng cửa các nhà máy tại Áo và Anh.
Cuối tháng 11, Bosch, nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới, cho biết sẽ cắt giảm 5.500 việc làm tại các bộ phận giải pháp máy tính và hệ thống lái, đồng thời giảm giờ làm của hàng trăm nhân viên.