Công trình đường bộ là gì? Cách bảo trì công trình đường bộ

(VOH) – Công trình đường bộ không chỉ là đường đi, công trình giao thông mà công trình đường bộ còn có những quy định về phân loại, phân cấp và bảo trì cẩn thận.

1. Công trình đường bộ là gì? 

Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác

2. Phân loại công trình đường bộ

Theo đó, các công trình đường bộ chính được quy định và phân loại tại mục IV phụ lục I Nghị định 46/2015/NĐ-CP như sau:

2.1 Công trình giao thông 

  • Công trình đường bộ: Đường ô tô cao tốc các loại; đường ô tô, đường trong đô thị; đường nông thôn, bến phà.
  • Công trình cầu: cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh.
  • Công trình hầm: Hầm đường ô tô; hầm đường sắt; hầm cho người đi bộ.

2.2 Công trình hạ tầng kỹ thuật 

  • Công trình thoát nước: Tuyến cống thoát nước mưa, cống chung; tuyến cống thoát nước thải; hồ điều hòa; trạm bơm nước mưa; công trình xử lý nước thải; trạm bơm nước thải; công trình xử lý bùn.
  • Công trình chiếu sáng công cộng: mạng lưới điện chiếu sáng, cột đèn.
Công trình đường bộ là gì? Cách bảo trì công trình đường bộ

3. Nội dung bảo trì công trình đường bộ

Công trình đường bộ khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, pháp luật về giao thông đường bộ.

Bảo trì công trình đường bộ phải thực hiện theo quy định của quy trình bảo trì, quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật về bảo trì công trình đường bộ được cơ quan có thẩm quyền công bố áp dụng.

Bảo trì công trình đường bộ được quy định tại Điều 4 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, (có hiệu lực ngày 24/07/2018), theo đó: 

1. Kiểm tra công trình đường bộ

a) Việc kiểm tra công trình đường bộ có thể bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng;

b) Kiểm tra công trình đường bộ bao gồm kiểm tra theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo trì công trình.

2. Quan trắc công trình đường bộ

a) Quan trắc công trình đường bộ là hoạt động theo dõi, đo đạc, ghi nhận sự biến đổi về hình học, biến dạng, chuyển vị và các thông số kỹ thuật khác của công trình và môi trường xung quanh theo thời gian;

b) Quan trắc công trình đường bộ phục vụ công tác bảo trì bắt buộc phải được thực hiện trong các trường hợp: công trình đường bộ khi xảy ra sự cố có thể dẫn tới thảm họa, bộ phận công trình đường bộ có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ, mất an toàn trong quá trình khai thác sử dụng hoặc theo yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình;

c) Các bộ phận công trình cần được quan trắc bao gồm các kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình (kết cấu nhịp cầu; mố và trụ cầu có chiều cao lớn; trụ tháp cầu treo; vỏ hầm);

3. Kiểm định xây dựng công trình đường bộ

Là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng, giá trị, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình đường bộ hoặc công trình đường bộ thông qua quan trắc, thí nghiệm kết hợp với việc tính toán, phân tích. 

a) Kiểm định định kỳ theo quy trình bảo trì công trình đã được phê duyệt theo quy định. 

b) Khi phát hiện thấy chất lượng công trình có những hư hỏng của một số bộ phận công trình, công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng theo quy định, khi kết quả quan trắc công trình đường bộ vượt quá giá trị cho phép hoặc có dấu hiệu bất thường khác cần đánh giá về an toàn chịu lực và an toàn vận hành khai thác công trình đường bộ;

c) Khi có yêu cầu đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình phục vụ cho việc lập quy trình bảo trì đối với những công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì. 

d) Khi cần có cơ sở để quyết định việc kéo dài thời hạn sử dụng của công trình đối với các công trình đã hết tuổi thọ thiết kế hoặc làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp công trình. 

đ) Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng

4. Bảo dưỡng công trình đường bộ được thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì công trình được phê duyệt.

5. Sửa chữa công trình đường bộ là các hoạt động khắc phục hư hỏng của công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của công trình đường bộ.

Xem thêm: Phí bảo trì đường bộ từng loại xe mới nhất 2021

Hiện nay để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 112/2020. Theo đó, việc giảm phí bảo trì đường bộ được tiếp tục áp dụng từ 01/01/2021- hết 30/6/2021: 

Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng): Chỉ phải nộp 70% mức thu phí bảo trì đường bộ. 

Xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo: Chỉ phải nộp 90% mức thu phí bảo trì đường bộ.

Bình luận