Để nhận được giấy đăng ký xe ô tô mới mua, chủ phương tiện phải thực hiện đầy đủ các bước bao gồm: Đóng thuế trước bạ, đăng ký xe (nhận biển số), đăng kiểm xe. Đây được xem là thủ tục bắt buộc để khẳng định quyền sở hữu với chiếc xe như một tài sản của riêng cá nhân và được phép lưu thông hợp pháp trên đường.
Từ 11/02/2020, thủ tục này được thực hiện theo quy định mới. Hiểu và nắm rõ quy trình cũng như những giấy tờ cần thiết khi đăng kí xe ô tô sẽ giúp chủ phương tiện tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
1. Đóng phí thuế trước bạ
1.1 Hồ sơ / giấy tờ cần chuẩn bị
- Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (bản chính)
- Hóa đơn mua bán (HĐMB) xe của đại lý bán xe. (Gồm 2 loại hóa đơn: Hoá đơn giữa đại lý bán xe với chủ xe và HĐMB giữa đại lý bán xe với nhà sản xuất xe ô tô, bản photo)
- Đối với chủ xe là cá nhân: Bản photo CMND và Hộ khẩu (mang theo bản chính để đối chiếu)
- Đối với chủ xe là công ty tư nhân: Bản photo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Đối với chủ xe là công ty liên doanh nước ngoài: Bản photo Giấy phép đầu tư
- Tờ khai thuế trước bạ 2 bản: Khai theo hướng dẫn của phòng thuế
Lưu ý: Đối với công ty, ngoài ký tên trên tờ khai còn cần phải đóng dấu công ty, do đó nên chuẩn bị tờ khai này trước khi đi đóng thuế. Giấy giới thiệu cho người đi nộp thuế (kể cả giám đốc công ty).
1.2 Quy trình và lệ phí trước bạ
Quy trình:
- Cá nhân: nộp thuế trước bạ tại Phòng thuế Quận/Huyện nơi có hộ khẩu thường trú.
- Công ty tư nhân, doanh nghiệp tư nhân: Đến phòng thuế Quận/Huyện nơi có giấy phép đăng ký kinh doanh mới nhất.
- Công ty liên doanh/Người nước ngoài/Văn phòng đại diện nước ngoài: Đến phòng thuế.
Lệ phí trước bạ:
Tiền phí trước bạ = Giá tính phí trước bạ x Mức thu phí trước bạ (%)
Giá tính phí trước bạ được quy định trong Quyết định 618/QĐ-BTC 2019: Tải về Tại đây
Mức thu phí trước bạ đối với xe ôtô con:
- Tại Hà Nội và 7 tỉnh thành khác gồm: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%.
- Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%.
- TP Hồ Chí Minh và các khu vực còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.
Xe bán tải có mức phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô con.
Xem thêm: Cách tính phí trước bạ ô tô, xe máy trong năm 2020 và bảng giá chi tiết
Sau khi đóng xong phí trước bạ xe ô tô, chủ phương tiện sẽ nhận biên lai chứng nhận đã hoàn tất đóng thuế. (Nên kiểm tra kỹ thông tin trên biên lai)
2. Đăng ký và nhận biển số xe ô tô
2.1 Hồ sơ đăng ký
- Tờ khai thuế trước bạ cùng với biên lai đóng thuế trước bạ
- Tờ khai đăng ký xe dán cả bản cà số khung, số máy
- Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (bản chính). Đặc biệt với xe nhập khẩu thì phải có Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu
- Hóa đơn GTGT của Đại lý bán xe xuất cho khách hàng (bản chính)
- Đối tượng là tư nhân: CMND/Thẻ căn cước và Hộ khẩu (bản chính).
- Đối tượng là Công ty/doanh nghiệp tư nhân/công ty liên doanh nước ngoài: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư (bản photo).
Lưu ý: Luôn phải có Giấy giới thiệu cho người đi đăng ký xe trường hợp là công ty, doanh nghiệp tư nhân.
2.2 Quy trình đăng ký
- Mang xe cùng toàn bộ giấy tờ đã chuẩn bị để nộp hồ sơ đăng ký xe ô tô
- Kiểm tra xe ô tô
- Nộp lệ phí đăng ký và chờ gọi tên bấm biển số xe ô tô
- Lấy biển số và giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe (Gồm 2 biển số xe: biển số dài và biển số ngắn)
Lưu ý: Thời gian chờ nhận giấy đăng ký xe từ 2 – 3 ngày. Khi nhận giấy cần kiểm tra chính xác các thông tin trên giấy như (Họ tên, địa chỉ, nhãn hiệu xe, số loại, số khung, số máy…) để kịp thời sửa đổi nếu xảy ra sai sót.
Sau khi nhận giấy đăng ký xe, chủ xe đến cơ quan bảo hiểm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định.
Cơ quan tiếp nhận đăng ký xe:
- Phòng cảnh sát giao thông đường bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân sinh sống để đăng ký xe ô tô.
- Đối với trường hợp đăng ký xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó, cần tới đăng ký tại Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt .
2.3 Lệ phí đăng ký
Đối với dòng xe du lịch từ 5 chỗ đến 10 chỗ ngồi:
- Khu vực I (bao gồm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh): từ 2 đến 20 triệu đồng.
- Khu vực II (bao gồm các Thành phố và thị xã trực thuộc tỉn, các Thành phố trực thuộc Trung ương trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh,): từ 1 đến 2 triệu đồng.
- Khu vực III (gồm những khu vực ngoài khu vực I và II): 200.000 đồng.
Đối với dòng xe bán tải, bán tải van: Các dòng xe này chịu chung mức phí là 500.000 đồng.
Xem thêm: Giấy đăng kiểm xe máy là gì? Thủ tục và hồ sơ đăng kiểm xe máy
3. Đăng kiểm xe ô tô
3.1 Hồ sơ đăng kiểm xe ô tô
- Giấy đăng ký xe hoặc giấy hẹn (bản chính)
- 01 bộ cà số khung, số máy
- Giấy kiểm tra chất lượng xuất xưởng (bản photo)
- Hóa đơn Đại lý bán xe xuất cho hhách hàng (bản photo)
- Giấy giới thiệu đăng ký vào đơn vị vận chuyển (đối với xe kinh doanh vận chuyển hành khách).
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
3.2 Lệ phí đăng kiểm
- Xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: 240.000 đồng
- Xe ô tô khách từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe): 280.000 đồng
- Xe ô tô khách từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 320.000 đồng
- Xe ô tô khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: 350.000 đồng
- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc: 180.000 đồng
- Máy kéo bông sen, công nông và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 180.000 đồng
- Xe ô tô tải có trọng tải đến 2 tấn: 280.000 đồng
- Xe ô tô tải có trọng tải trên 2 tấn đến 7 tấn: 320.000 đồng
- Xe ô tô tải, đoàn xe ô tô (xe ô tô đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 7 tấn đến 20 tấn và các loại máy kéo: 350.000 đồng
- Xe ô tô tải, đoàn xe ô tô (xe ô tô đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: 560.000 đồng
Phí cấp giấy chứng nhận kiểm định là 50.000 đồng.
Bảo hiểm dân sự bắt buộc: Đối với bảo hiểm dân sự dành cho xe ô tô thì mức giá dao động từ 400.000 đồng - hơn 4.000.000 đồng tùy vào từng loại xe.
Trên đây là những thông tin chi tiết liên quan đến thủ tục đăng ký xe ô tô và mức phí của từng bước mới nhất năm 2020.