(VOH) – Người tham gia giao thông mặc định phải thuộc nằm lòng các loại biển báo biệu đường bộ, phải luôn quan sát và nắm rõ ý nghĩa của từng loại biển báo để tuân thủ theo đúng quy định.
Hệ thống biển báo hiệu đường bộ việt nam vô cùng phong phú với các nhóm gồm: biển cấm, biển chỉ dẫn, biển hiệu lệnh, biển nguy hiểm và biển phụ cùng tổng cộng hơn 300 loại biển báo. Đây là các biển hiệu được đặt trên đường, có chứa các thông tin đến người tham gia giao thông.
Biển báo hiệu đường bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống xã hội ngày nay, giúp giao thông được ổn định, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Nhờ các biển báo hiệu mà các phương tiện tham dự giao thông an toàn, liên tiếp mà không bị ùn tắc, góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông không thể luôn túc trực tại tất cả các đoạn đường. Khi đó hệ thống các biển báo giao thông đường bộ sẽ làm thay công việc hướng dẫn cho người điều khiển đi đúng làn đường quy định, giảm ùn tắc, an toàn cũng như tiết kiệm thời gian cho người tham gia giao thông.
Một số vai trò cơ bản của biển báo hiệu đường bộ:
Giúp người tham gia giao thông không đi sai luật: Tại các đoạn đường khác nhau sẽ có những quy định, đặc điểm riêng như giảm tốc độ, đường một chiều, đường cấm rẽ phải…Người điều khiển phương tiện cần quan sát kỹ càng bản báo hiệu để tránh vi phạm luật giao thông.
Tạo ra văn hóa giao thông: Khi lưu thông trên đường, nếu không có các biển hiệu, người điều khiển phương tiện sẽ chạy luồng tuông không đúng quy định, không có sự đồng nhất, gây mất trật tự an toàn.
Giúp lái xe được thuận lợi hơn: Một số loại biển báo cấm hay biển chỉ dẫn có vai trò giúp người điều khiển tránh được những con đường ùn tắc, nguy hiểm, giảm kẹt xe, giúp mọi người tiết kiệm thời gian, công sức.
Giúp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông: Tất các các loại biển báo hiệu chung quy đều muốn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân hạn chế xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Ví dụ, biển nguy hiểm cảnh bảo trước những chướng ngại vật sắp tới để người điều khiển cảnh giác hơn, biển báo cấm rẽ trái thì cũng đồng nghĩa với việc cấm quay đầu xe…
Theo luật giao thông đường bộ Việt Nam - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo hiệu đường bộ được chia làm 6 loại với mục đích khác nhau. Bao gồm biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển phụ, biển báo chỉ dẫn, nhóm vạch kẻ đường.
2.1 Biển báo cấm
Hình dạng: Hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, hình vẽ màu đen ở giữa.
Ý nghĩa: Đây là loại biển báo giao thông biểu thị các điều cấm (mã P) và hết cấm (mã DP). Bắt buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ. Loại biển báo này thường được đặt ở vị trí của đường giao nhau, đường cấm một phương tiện bất kỳ hoặc phía bên cấm rẽ thường là đường một chiều. Nhóm biển báo cấm gồm 63 biển với 39 kiểu, bao gồm các biển báo giao thông được đánh số từ 101 đến 140. Tất cả có đường kính: 70 cm, viền đỏ 10 cm, vạch đỏ 5 cm.
2.2 Biển báo nguy hiểm
Hình dạng: Hình tam giác, nền màu vàng, viền màu đỏ, hình vẽ màu đen
Ý nghĩa: Biển báo nguy hiểm gồm 83 biển với 47 kiểu được đánh dấu bằng mã W. Biển báo nguy hiểm có mục đích thông báo cho người điều khiển những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, con giúp chủ phương tiện xác định địa hình đoạn đường phía trước như thế nào, giao cắt ra sao, đường hướng nào được ưu tiên cần lưu ý để người lái xe giảm tốc độ, đi đúng phần đường, giữ cự ly an toàn. Biển báo nguy hiểm được đánh số từ 201 đến 247.
2.3 Biển báo hiệu lệnh
Hình dạng: Biển báo hiệu lệnh có hình tròn, nền xanh, hình vẽ màu trắng.
Ý nghĩa: Biển báo hiệu lệnh gồm 65 biển có nhiệm vụ chỉ dẫn những hiệu lệnh mà người lái xe phải thi hành. Thông thường là các hướng phải đi, vòng xoay, cầu vượt hay cần hạn chế tốc độ tối thiểu…Yêu cầu người lái xe thực hiện nghiêm túc. Biển báo hiệu lệnh có mã R và R.E.
2.4 Biển báo chỉ dẫn
Hình dạng: Hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền xanh, hình vẽ màu đen, trắng, vàng hoặc đỏ.
Ý nghĩa: Biển báo chỉ dẫn có 90 loại với mã I. Đúng với tên gọi biển báo chỉ dẫn giúp người điều khiển phương tiện định hướng, các điểm mốc, lối rẽ, cây xăng gần nhất, trạm dừng chân, thành phố hay thị trấn…hoặc những điều có ích khác, giúp quá trình tham gia giao thông thuận lợi hơn.
2.5 Biển báo phụ
Hình dạng: Hình vuông hoặc hình chữ nhật, viền đen, nền trắng, hình vẽ màu đỏ hoặc đen.
Ý nghĩa: Nhóm biển báo phụ thường nằm phía dưới biển báo cấm, nguy hiểm, hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn. Chúng có tác dụng bổ sung, làm rõ cho ý nghĩa cho các biển báo chính phía trên. Biển báo phụ gồm 31 biển có mã S, SG và SH.
2.6 Nhóm vạch kẻ đường
Hình dạng: Nền đen, hình vẽ có 2 màu là vàng hoặc trắng. Vạch kẻ đường chia làm 2 loại: vạch nằm ngang và vạch nằm đứng.
Ý nghĩa: Vạch kẻ đường cũng là một dạng báo hiệu giao thông nhưng được kẻ trực tiếp lên mặt đường. Vạch kẻ đường cũng rất quan trong về phạm vi áp dụng, ý nghĩa trong hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ Việt Nam. Dùng để phân loại xe, làn đường, đường đi phụ và lối rẽ nếu không có bare, đường cấm trong từng trường hợp. Đối với trường hợp nơi vừa có vạch kẻ đường, vừa có biển báo giao thông thì lái xe phải tuân thủ theo biển báo.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, quy định rõ mức phạt đối với lỗi không chấp hành biển báo giao thông đường bộ. Cụ thể, tại điều 5 của Nghị định này: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)…không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.