Chờ...

Khoảng cách an toàn khi lái xe lưu thông trên đường là bao nhiêu?

(VOH) – Duy trì một khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước sẽ giúp cho các lái xe có đủ thời gian nhận định tình huống, đạp phanh hoặc dừng xe để không xảy ra những vụ tai nạn.

1. Khoảng cách an toàn khi lái xe

Điều khiển phương tiện khi tham gia lưu thông đường bộ, một trong những điều quan trong mà tất cả các tài xế lái xe đều phải đặc biệt lưu ý đó là giữ khoảng cách an toàn tuyệt đối đối với xe chạy ở phía trước mình, cùng chiều. Việc duy trì tốt những khoảng cách này sẽ hạn chế tối thiểu được những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra với những trường hợp xe sau mất lái đâm đuôi xe trước, xe đi sau gặp nạn gây liên lụy cho những xe đi trước…

Điển hình như tối ngày 27/9/2020, 12 ôtô đâm liên hoàn trên cầu Nhật Tân, khiến giao thông “tê liệt”, ùn tắc nghiêm trọng hướng lưu thông về TP.Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được xác định cũng do ảnh hưởng của cơn mưa, đường trơn, các tài xế không giữ khoảng cách an toàn, không làm chủ được tốc độ đã gây ra vụ tai nạn trên. 

Căn cứ Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có hiệu lực ngày 15/10/2019 quy định khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường như sau:

  • Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

Điều 12 về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường của thông tư này quy định:

  • Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:

Khoảng cách an toàn khi lái xe lưu thông trên đường là bao nhiêu?

  • Khi điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.
  • Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định trong trường hợp điều kiện thuận lợi như đã nêu ở trên.

Có thể nói, khi điều khiển phương tiện lưu thông vào những nơi đông dư cư và có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc như nội thành, bến xe, trường học hay các khu vực đang tiến hành thi công nên giao thông không thuận lợi, thì việc giữ khoảng cách an toàn sẽ được linh hoạt và người dân tham gia giao thông có thể điều chỉnh khoảng cách an toàn nhất cho bản thân mình với những người khác. 

2. Quy định xử phạt khi vi phạm khoảng cách an toàn

Theo Khoản 3l Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”. 

Trường hợp người điều khiển ôtô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt 3.000.000 – 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Đối với xe máy, theo điểm c khoản 1 Điều 6 nghị định này, người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi không giữ khoảng cách an toàn, để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.

Xem thêm: Những lưu ý quan trọng cho người mới lái ô tô

3. Mẹo giúp tài xế giữ khoảng cách an toàn

3.1 Quy tắc 3 giây

Đây là phương pháp cơ bản mà ai cũng cần phải nắm rõ dù là di chuyển ở bất cứ đoạn đường nào. Bản chất của quy tắc này dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, đà quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm. 3 giây được xem là khoảng thời gian cần thiết để người điều khiển phương tiện dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dù là phanh gấp. 

Công thức như sau: Nhân vận tốc của xe với 3 rồi chia 10 sẽ cho ra kết quả số mét khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe gần nhau. Ví dụ, nếu đi với vận tốc 120km/h thì khoảng cách tối thiểu với xe phía trước sẽ là 120 x 3/10 = 36m.

Trong tình huống thời tiết không tốt (sương mù, mưa to, đường trơn trượt) bị hạn chế tầm nhìn thì cần tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước cho phù hợp để tránh xảy ra va chạm. 

Bên cạnh đó, chúng ta có thể tận dụng một điểm cố định bên lề đường như: cột điện, biển báo hiệu đường bộ, cây xanh…để đếm nhẩm “một-không-không-một”, “một-không-không-hai” (1-0-0-1, 1-0-0-2). Nếu đọc xong mà xe chạy chưa tới hoặc vừa tới điểm mốc đó thì hai xe đang giữ khoảng cách an toàn khi lái xe. 

3.2 Biển số xe chạy trước 

Để nhận biết khoảng cách thực tế giữ 2 xe thì chỉ cần nhìn biển số của xe phía trước (chỉ áp dụng ban ngày trong điều kiện thời tiết bình thường). 

Có thể hiểu, khi người điều khiển phương tiện hoàn toàn không đọc được số trên biển số xe phía trước thì khoảng cách hiện tại giữa 2 xe là rất an toàn. Nếu nhìn thấy số nhưng bị mờ là đang giữ được một khoảng cách tương đối an toàn với xe phía trước. Còn khi có thể đọc rõ từng số trên biển số xe phía trước đồng nghĩa với việc cần giảm tốc độ để đảm bảo khoảng cách an toàn vì lúc này khoảng cách giữ 2 xe rất dễ xảy ra tai nạn giao thông khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

3.3 Làm chủ tốc độ và chú ý những nguy hiểm bất ngờ

Người điều khiển phương tiện cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để xác định nhanh khoảng cách an toàn với xe phía trước. Luôn đảm bảo tốc độ vừa phải khi tham gia giao thông và chú ý những quy định an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, khi điều khiển xe cần có cái nhìn bao quát khoảng không gian phía trước và xung quanh phương tiện, luôn giữ khoảng cách quan sát khoảng 15 giây để có đủ thời gian và không gian xử lý những sự cố bất ngờ xảy đến.  

Xem thêm: