Đề xuất : Người đã tiêm vaccine, F0 khỏi bệnh không cần xét nghiệm khi đi máy bay, tàu hỏa

Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một mũi vaccine sau 3 tuần, đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng khi đi máy bay, tàu hoả...

Thông tin trên được nêu rõ trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý về nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.  

Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một mũi vaccine COVID-19 sau 3 tuần

Trong văn bản góp ý vừa gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế cho biết cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của Bộ Giao thông vận tải.

Thông tin mới nhất về yêu cầu khi tham gia giao thông liên tỉnh với người đã tiêm vaccine COVID-19 1

Người đã tiêm một mũi vaccine sau 3 tuần, đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không cần xét nghiệm khi đi máy bay, tàu hoả..

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, Bộ Y tế đề nghị có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc và đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định; có cán bộ, bộ phận y tế để phối hợp với y tế địa phương xử trí khi có trường hợp mắc tại nơi làm việc.

Với hành khách đi tàu hỏa, máy bay, tàu biển (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại), Bộ Y tế yêu cầu tuân thủ 5K và phải xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Đáng chú ý, tại văn bản này Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Người điều khiển taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vaccine COVID-19

Ngoại trừ đường hàng không áp dụng theo văn bản riêng, Bộ Y tế đề nghị cho phép hoạt động phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải tại địa phương, vùng có nguy cơ thấp và trung bình.

Cụ thể, tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình được hoạt động; Các phương tiện công cộng hoạt động với tần suất dưới hoặc bằng 50% công suất tại địa phương, vùng có nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương, vùng có nguy cơ rất cao (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). 

Phương tiện giao thông công cộng phải được trang bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; phải vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần phục vụ.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng phải tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.

Tại địa phương có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao, người điều khiển xe phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).

Khu vực bán vé, phòng chờ và nơi lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế; Tổ chức điểm xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; Bố trí khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng. Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Đối với địa phương ở vùng có nguy cơ rất cao, hoạt động vận tải công cộng sẽ tạm dừng, trừ taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử. 

Người điều khiển taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Bình luận