Các phương án này được đưa ra để giải quyết một số vướng mắc so với phương án trước đây, nhằm đáp ứng quy hoạch phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn 2050.
Ba phương án được đề xuất gồm:
- Phương án Đông: Tuyến đường sẽ được điều chỉnh về phía Đông của tuyến quy hoạch cũ.
- Phương án Tây bám theo quy hoạch: Tuyến này cơ bản giữ nguyên hướng của tuyến quy hoạch hiện tại.
- Phương án Tây theo hướng mới: Hướng tuyến này được thiết kế để tránh các khu vực tôn giáo và ngã ba Giồng Sắn.
Trong cả ba phương án, TEDI cũng đề xuất phương án phân kỳ đầu tư, với giai đoạn đầu xây dựng hai đường song hành và giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh.
Dự án cầu Cát Lái có tổng chiều dài hơn 11,3km, trong đó cầu chính sẽ có chiều dài hơn 3km, với thiết kế dây văng. Điểm đầu của cầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức), cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m và điểm cuối kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Việc xây dựng cầu Cát Lái không chỉ giúp giảm tải giao thông qua phà mà còn là bước tiến quan trọng trong việc kết nối giao thông liên vùng giữa Đồng Nai và TPHCM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết định xây cầu thay phà Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ năm 2017. Đến năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã được giao làm cơ quan chủ trì triển khai dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).