Chờ...

Dự án vành đai 3 TPHCM: Tiền Giang sẽ cung cấp cát  

VOH - Tổ công tác liên ngành Bộ Giao thông Vận tải đã họp với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thống nhất Tiền Giang hỗ trợ cung cấp cát cho dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo TPHCM, dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ cần 6,6 triệu m3 cát để thực hiện. 

Riêng từ đây đến tháng 8/2024, dự án vành đai 3 cần khối lượng cát là 1 triệu m3. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Tổ công tác Bộ  Giao thông Vận tải và Tỉnh Tiền Giang
Quang cảnh buổi làm việc giữa Tổ công tác liên ngành Bộ Giao thông Vận tải và Tỉnh Tiền Giang

Ngày 2/7, Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trưởng, làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ giao cho tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang được điều chỉnh tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023, quy định cho phép nâng công suất cấp phép khai thác cát từ 4,5 triệu m3/năm lên 9 triệu m3/năm.

Do đó, Tiền Giang đề nghị bộ, ngành hướng dẫn thủ tục để trình Thủ tướng sửa đổi Quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, nâng công suất cấp phép khai thác cát lên để vừa thực hiện dự án giao thông trọng điểm Quốc gia và các dự án ở địa phương.

Theo ông Trọng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, địa phương hỗ trợ nguồn cát cho dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đối với các địa phương khác cần, Tiền Giang sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện, cầu nối để chủ mỏ khai thác cát với nhà thầu gặp nhau để khảo sát, thăm dò, chất lượng cát... Từ đó, hai bên quyết định thương thảo hợp đồng theo giá thương mại.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan đến đề xuất sửa đổi Quy hoạch để nâng công suất khai thác cát thì Tiền Giang thực hiện theo đúng quy định pháp luật về Quy hoạch và rà soát điều chỉnh số liệu, có văn bản kèm theo giải thích việc thay đổi Quy hoạch. Trên cơ sở đó, khi các Bộ cho ý kiến sẽ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh Quy hoạch để tiết kiệm thời gian.