Theo Cục Hàng hải VN, so với cùng kỳ tháng trước, đến trung tuần tháng 8, giá cước đã giảm trên tất cả các tuyến, mạnh nhất là trên tuyến Châu Á đi bờ tây nước Mỹ, tuyến Châu Âu (giảm khoảng 20-30%). Mức giá trên các tuyến vận tải khác cũng giảm khoảng từ 15-25%.
Hiện tại, mức giá giảm bằng 44% so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm trong lịch sử đại dịch (tháng 9/2021) và dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trung bình mỗi tuần, giá cước giảm khoảng 3-4% so với tuần trước đó. Dự báo trong thời gian tới, giá cước tiếp tục giảm do một số các tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn đã không còn xảy ra.
Trong khi giá cước vận tải đang trên đà giảm, sản lượng hàng hóa cũng có dấu hiệu tăng trưởng.
Theo thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 500 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng container đạt 16,9 triệu Teu, tăng 21%, container xuất nhập khẩu đạt 10,8 triệu Teu, tăng 16,6%.
Theo Cục Hàng hải VN, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải, đưa tới nhiều thuận lợi cho khách hàng, giảm chi phí vận tải, thuận lợi trong việc đặt chỗ, mang lại hiệu quả kinh doanh của chủ hàng.
Giá cước vận tải biển container được điều tiết theo thị trường quốc tế, chịu biến động trực tiếp theo cung, cầu của thị trường.
Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu nên giá cước vận tải container đi nước ngoài không nằm ngoài xu hướng chung của giá vận tải thế giới, cũng bị điều chỉnh tăng/giảm theo giá chung của thị trường thế giới.
Dù giá cước giảm song trước các biến động khó lường của thị trường, Cục Hàng hải VN khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường giá cước, để có những giải pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp thị trường có biến động xấu.