Tiêu điểm: Nhân Humanity

Làn sóng ô tô Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam

VOH - Với nhiều tiềm năng chưa được khai phá, Việt Nam được xem là một thị trường hấp dẫn với nhiều thương hiệu xe Trung Quốc.

Hàng chục thương hiệu Trung Quốc, cả chạy xăng đến xe điện Trung Quốc như BYD, MG, Chery, Wuling, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co, Hongqi …đang tràn vào Việt Nam khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Xe điện ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển một thị trường như chưa được khai phá
Xe điện ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển một thị trường như chưa được khai phá

Làn sóng này làm tăng thêm cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành ô tô trong nước.

Theo một nghiên cứu của Statista, năm 2022, doanh số bán xe du lịch tại Việt Nam đạt hơn 284.000 xe, trong đó chỉ có vài nghìn xe là xe điện. Do đó, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng cho xe bốn bánh thuần điện, vì loại xe này mang lại lợi thế hấp dẫn trong bối cảnh giá xăng tăng và các vấn đề về môi trường liên quan đến ô tô chạy bằng xăng.

Mẫu xe điện Wuling Bingo do TMT Motor (TQ) lắp ráp vừa chính thức ra mắt người dùng Việt với mức giá khởi điểm chỉ từ 349 triệu đồng.

Các thương hiệu Trung Quốc khác cũng có mặt tại VN với giá cả đa dạng, không chỉ với phân khúc giá rẻ, với giá từ 250 - 270 triệu đồng/chiếc, mà cả các thương hiệu cao cấp cũng có mặt.

BYD tung ra ba phiên bản gồm Dolphin, SUV Atto3, Seal có giá bán lần lượt là 659 triệu đồng; 766 - 866 triệu đồng và 1,1 - 1,3 tỉ đồng. Mức giá các mẫu xe của BYD được đánh giá là khá cao so với các mẫu xe xăng, xe thuần điện cùng phân khúc của đối thủ.

AION vào Việt Nam với 2 mẫu xe là ES và Y Plus, giá bán lần lượt 788 triệu đồng và 888 triệu đồng. Trong đó, AION ES là sedan hạng D có ngoại thất mang phong cách coupe với mui vuốt dài về phía sau. AION ES có mức giá 788 triệu đồng, dễ chịu hơn so với BYD Seal từ 1,119 tỉ đồng dù đồng cấp.

Còn Y Plus là xe thuần điện có thiết kế khá lạ mắt, giao thoa giữa crossover và MPV. Y Plus hiện chỉ bán ra một phiên bản tại Việt Nam, giá 888 triệu đồng (đã kèm pin và bộ sạc tiêu chuẩn 7 kW). Mức giá của mẫu xe này được nhận định là khá cạnh tranh so với các đối thủ xe xăng khác cùng phân khúc.

Làn sóng này khiến cho các thương hiệu Trung Quốc phải cạnh tranh với nhau chứ không chỉ với các dòng xe quốc tế khác. Đây là lý do mà các thương hiệu này phải tung ra những chính sách giá hấp dẫn hơn để lôi kéo khách hàng.

Đối với một số thương hiệu xe điện TQ có giá khá mềm, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về độ an toàn và hạ tầng sạc pin tại VN - vốn chưa hỗ trợ chuẩn sạc GB/T, chuẩn sạc phổ biến tại Trung Quốc, không tương thích với chuẩn CCS2 phổ biến ở VN.

Để khắc phục, người tiêu dùng phải mua thêm thiết bị chuyển đổi, vừa tốn thêm chi phí vừa bất tiện.

Đại diện hãng BYD, cho biết hãng này không có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc riêng mà sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khác hoặc triển khai tại hệ thống đại lý của hãng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, việc này có thể khiến người tiêu dùng không an tâm về dịch vụ sau bán hàng, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống trạm sạc tại VN còn hạn chế.

Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng VN đã đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch vào năm 2050. Cùng với đó là thách thức trong việc quản lý làn sóng xe điện nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, cần có biện pháp bảo hộ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa như nhiều nước đang áp dụng bằng các hàng rào thuế quan cao để ngăn chặn sự đổ bộ của xe điện Trung Quốc. Ngoài ra, cần đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng về pin, hệ thống sạc và dịch vụ hậu mãi để bảo vệ người tiêu dùng.

Bình luận