Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội vừa báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn. Đầu năm 2024, thành phố có 33 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đến hết tháng 11 đã xử lý được 13 điểm, còn lại 20.
Sở đã chỉ ra 16 điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc mới phát sinh, trong đó có 5 điểm gồm: Nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; đảo xuyến trên đường Cương Kiên; đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng); ngã tư Phùng Hưng - Cầu Bươu - đường 19/5 (cầu Đen).
11 trục, tuyến đường đối diện nguy cơ ùn tắc là Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông, Thanh Xuân); Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy); vành đai 3 trên cao, dưới thấp (đặc biệt là tại các lối lên, xuống); Tam Trinh; Lĩnh Nam; Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng; Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu; Hoàng Hoa Thám.
Ngoài ra, còn có đường Giải Phóng (lưu lượng phương tiện rất lớn tại một số nút giao Giải Phóng - Kim Đồng, Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, Ngã Tư Vọng; Giải Phóng - Hoàng Liệt); đường đê Nguyễn Khoái (đoạn từ Trần Khát Chân đến cầu Vĩnh Tuy); đường 70 (đoạn Phúc La đến cầu Tó); trục Tố Hữu - Lê Văn Lương; trục Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận (quốc lộ 5 cũ).
Một số nguyên nhân dẫn đến ùn tắc được chỉ ra là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao. Mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới có hai tuyến được đưa vào khai thác. Loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn (BRT) mới hình thành
Đặc biệt tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao, khoảng 4-5% mỗi năm, cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm), làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao rất lớn, vượt quá lưu lượng thiết kế. Trong đó đường Nguyễn Trãi có lưu lượng gấp 2,5-3,2 lần, đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển gấp 4,3-4,9 lần so với thiết kế.
Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng vẫn còn thấp, mới đạt được 19,5% nên việc sử dụng phương tiện cá nhân của người dân trong đô thị vẫn phổ biến.
Công tác quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, di dời cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện và các cơ quan, đơn vị trong nội thành còn hạn chế.
Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, điều hành giao thông để tối ưu hóa kết cấu cơ sở hạ tầng chưa có giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài. Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân chưa cao.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp nhằm từng bước kiềm chế giảm thiểu ùn tắc, tuy nhiên mới là giải pháp giải tạm thời, tập trung vào xử lý điểm ùn tắc phát sinh.
Sở cho rằng để giảm thiểu tình trạng này cần triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài, trong đó ưu tiên vào ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông và quản lý nhu cầu giao thông.
Việc tăng mức xử phạt và tăng cường kiểm soát xử phạt nguội nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông (đặc biệt là xe máy) là giải pháp cần được triển khai ngay.
Thống kê của TP Hà Nội, đến cuối năm 2024 địa bàn có khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện (chưa bao gồm phương tiện của các cơ quan trung ương).
Trong đó thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại (gồm 1,1 triệu ôtô; 6,9 triệu xe máy) và khoảng 1,2 triệu phương tiện cá nhân (ôtô, xe máy) từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên thành phố.