Chờ...

Nên chăng thực hiện thu phí cao tốc nhà nước đầu tư theo cả 2 mô hình?

VOH - Việc thu phí như thế nào đối với cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hai mô hình thu phí: nhà nước tự tổ chức thu hoặc nhượng quyền cho tư nhân khai thác.

Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư để có nguồn vốn bảo trì, đầu tư các tuyến cao tốc mới.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh minh họa
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh minh họa

Theo Cục Đường bộ VN, sau khi đầu tư xây dựng xong, đường cao tốc sẽ được bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình để quản lý, vận hành khai thác. Tuy vậy, nhiều chủ công trình được giao quản lý, vận hành còn hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân sự trình độ cao. Việc bố trí nguồn vốn để quản lý, khai thác đường cao tốc chưa kịp thời, đầy đủ.

Giải quyết vấn đề này, Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, trong đó có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. 

Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay là lựa chọn giữa 2 hình thức quản lý, khai thác và thu phí cao tốc. 

Thứ nhất là Nhà nước tự tổ chức thực hiện. Thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác. 

Với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc là Cục Đường bộ VN tự tổ chức thu. Qua đấu thầu, sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. 

Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu "nhặt dần", sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách. 

Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). 

Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền. 

Phương án này có nhiều ưu điểm, song với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Phân tích hai mô hình trên dưới góc độ nhà đầu tư, một lãnh đạo Công ty giao thông cho rằng, nếu thực hiện theo phương án Cục Đường bộ VN tự tổ chức thu, việc thu hồi vốn sẽ không được tập trung, khó đạt mục tiêu thu hồi nhanh để có nguồn lực tái đầu tư các dự án, công trình hạ tầng giao thông.

Còn với phương án bán quyền thu phí, nhà đầu tư có thể đếm xe để tính toán sơ bộ, cân nhắc việc rót vốn. Song, sẽ dễ xảy ra tình trạng chưa thu phí lưu lượng xe đông, nhưng khi thu phí rồi sẽ giảm. 

Đặc biệt, những xe kinh doanh vận tải rất dễ lựa chọn đi quốc lộ để tiết kiệm chi phí, rủi ro về phương án tài chính vẫn có. 

"Nhà nước có thể nghiên cứu thực hiện theo phương án 1 trong thời gian khoảng 1 - 2 năm. Sau đó, trên cơ sở lưu lượng thực tế sẽ bán quyền thu phí theo phương án 2.

Các nhà đầu tư cũng dễ đo lường, đánh giá hiệu quả, sự ổn định của lưu lượng phương tiện trên tuyến để quyết định đầu tư. 

Đây là phương án tối ưu và hài hòa nhất, bảo đảm Nhà nước không bị thiệt, nhà đầu tư cũng yên tâm".

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng và thực hiện thu phí đường do Nhà nước đầu tư. Với hai phương án thu phí, ông Hòa cho rằng nên kết hợp cả hai.