Chờ...

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông

(VOH) – Các nhận biết và ý nghĩa của hiệu lệnh bằng tay và hiệu lệnh còi của người điều khiển giao thông mà mỗi cá nhân cần phải biết để tránh bị xử phạt. 

Khi tham gia lưu thông trên đường, ngoài trừ các biển báo hiệu giao thông, tín hiệu đèn, thì sẽ có những lúc bắt gặp hình ảnh CSGT đứng điều khiển phương tiện di chuyển ở các ngã 3, ngã 4 thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe hoặc ở những đoạn đường đang hạn chế lưu thông. 

Những hiệu lệnh này có hiệu lực cao hơn cả đèn giao thông, biển báo, và vạch kẻ đường. Thế nên việc hiểu rõ ý nghĩa hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là rất quan trọng với người đang điều khiển phương tiện. 

Theo quy định tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, thì người điều khiển giao thông gồm:

  • Cảnh sát giao thông 
  • Người hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Người này phải được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông và có mang băng đỏ rộng 10cm ở khoảng giữa cánh tay phải.

Xem thêmKhi vượt xe, làm theo 4 chú ý này bạn sẽ được an toàn

1. Hiệu lệnh bằng tay

Tay giơ thẳng đứng: Người tham giao thông ở ở tất cả các hướng đều phải dừng lại.

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông ảnh 1

Hai tay hoặc một tay dang ngang: Người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng.

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông ảnh 2

Cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy: người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn.

Cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực: người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn.

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông ảnh 3

Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống: người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại. 

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông ảnh 4

Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất: Người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại. 

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông ảnh 5

Tay phải giơ về phía trước: Người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi.

Nhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông ảnh 6

Tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải: Người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển. 

Xem thêm: Thủ tục xin cấp lại giấy đăng ký xe bị mất mới nhất 2020 

2. Hiệu lệnh bằng còi

  • Một tiếng còi dài, mạnh: Lệnh dừng lại
  • Một tiếng còi ngắn: Cho phép đi
  • Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn: Cho phép rẽ trái
  • Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh: Ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại
  • Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh: Báo hiệu đi nhanh lên
  • Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh: Báo hiệu phương tiện vi phạm hoặc báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra. 

Lưu ý: Khi tham gia giao thông mọi người phải ưu tiên tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Trường hợp không có cảnh sát giao thông điều khiển giao thông thì mới tuân theo tín hiệu của đèn giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.

3. Các hiệu lệnh khác

Cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới: Dừng xe. 

Người điều khiển giao thông chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.

4. Mức xử phạt khi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT

4.1. Đối với xe ô tô 

Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng: Khi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của CSGT

Phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng: Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT. 

4.2. Đối với xe máy 

Phạt tiền từ 600.000 - 01 triệu đồng:  Khi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của CSGT. 

Phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng: Khi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT với các trường hợp sau: 

  • Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe. 
  • Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị.
  • Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
  • Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định. 

4.3. Đối với xe đạp,xe đạp máy, xe đạp điện

Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng: Khi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của CSGT. 

Nguồn ảnh: Internet