Quy định về xe kéo, xe rơ moóc khi tham gia giao thông

(VOH) – Tổng quát các vấn đề về xe kéo, xe rơ moóc, giúp cho bạn hiểu rõ hơn những quy định về phương tiện này khi tham gia giao thông. 

1. Xe kéo rơ moóc là gì? 

Xe kéo rơ moóc hay còn được gọi là xe đầu kéo. Xe kéo rơ moóc có kết cấu mà khối lượng của toàn bộ phương tiện không đặt lên ôtô kéo. Loại xe này dùng có hai bộ phận tách rời nhau là kéo rơ moóc và sơ mi rơ moóc. 

Xe đầu kéo thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, lượng hàng hóa có khối lượng lớn. Ngoài ra, tài xế không cần mất thời gian chờ bốc hàng trong thùng xe mà có thể tháo tách rời luôn. 

2. Lái xe kéo có rơ moóc cần bằng lái xe hạng gì?

Tùy vào tải trọng của xe mà người điều khiển sử dụng phải có giấy phép lái xe cho phù hợp. Trong đó, bằng lái xe hạng F là bằng được phép lái tất cả các loại xe rơ moóc. Muốn nâng cấp hoặc thi bằng lái xe hạng F người dự thi phải có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E cùng với 3 năm kinh nghiệm. Khi đó người điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa. 

Ngoài ra:

  • Bằng lái xe hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2. 
  • Bằng lái xe hạng FC cấp cho người điều khiển được xe ô tô quy định tại hạng C có kéo thêm rơ moóc, các loại ô tô đầu kéo và có kéo thêm sơ mi rơ moóc, quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2. 
  • Hơn nữa, bằng lái xe hạng FD lái được những xe quy định tại hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2;
  • Bằng lái xe hạng FE là một trong những loại bằng lái xe cao nhất. Những người sở hữu bằng lái này sẽ được lái xe quy định tại hạng E và có kéo thêm rơ moóc.
  • Bằng lái xe B2 cũng có thể lái xe kéo rơ moóc có tải trọng thiết kế dưới 3500kg

Xem thêmTất cả các loại giấy phép lái xe đang lưu hành tại Việt Nam

Quy định về xe kéo, xe rơ moóc khi tham gia giao thông

3. Quy định về xe kéo, xe rơ moóc khi tham gia giao thông

Một xe ô tô chỉ được kéo theo một xe ô tô hoặc xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:

  • Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;
  • Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng;
  • Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.

Xe kéo rơ moóc phải có tổng trọng lượng lớn hơn tổng trọng lượng của rơ moóc hoặc phải có hệ thống hãm có hiệu lực cho rơ moóc.

Không được thực hiện các hành vi sau đây:

  • Xe kéo rơ moóc, xe kéo sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác;
  • Chở người trên xe được kéo;
  • Kéo theo xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô.

Xem thêmCác tuyến đường và khung giờ cấm xe tải tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng 

4. Mức xử phạt khi vi phạm đối với xe rơ moóc

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định một số xử phạt vi phạm giao thông đường bộ đối với xe rơ moóc như sau: 

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng: Đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Kéo theo xe khác, vật khác (trừ trường hợp kéo theo một rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc một xe ô tô, xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được); điều khiển xe ô tô đẩy xe khác, vật khác; điều khiển xe kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác, vật khác; không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo khi kéo nhau. 

Trường hợp vi phạm quy định nên trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng: Khi không gắn biển báo hiệu ở phía trước xe kéo, phía sau xe được kéo; điều khiển xe kéo rơ moóc không có biển báo hiệu theo quy định. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (gây tai nạn giao thông)

Phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng: Khi chở người trên xe được kéo (trừ người điều khiển). Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng (nếu gây tai nạn giao thông)

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Đối với người điều khiển xe container khi xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định”. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 01 tháng đến 03 tháng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%.