Các loại giấy phép lái xe cần phải biết tại Việt Nam

(VOH) – Để được phép lưu thông trên đường và điều khiển các loại phương tiện với dung tích khác nhau, người lái xe cần có giấy phép lái xe phù hợp đảm bảo yêu cầu theo đúng quy định nhà nước. 

1. Giấy phép lái xe là gì?

Giấy phép lái xe (còn được gọi là bằng lái xe) là một loại giấy phép/chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể. Có nghĩa là cá nhân đó được phép vận hành, tham gia giao thông bằng các phương tiện xe cơ giới như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.

Để có giấy phép lái xe (GPLX), người điều khiển xe cần phải nộp đơn xin cấp và tiến hành những kỳ thi sát hạch lái xe để được chứng nhận về khả năng lái xe. Sau khi được cấp GPLX, người thi mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.

Người điều khiển xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Đảm bảo đủ điều kiện về độ tuổi, yêu cầu sức khỏe và các quy định đặc biệt khác. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức khỏe và các điều kiện có liên quan thì có thể đăng ký học và thi GPLX theo quy định. Khi một người không có bằng lái xe mà tham gia điều khiển giao thông sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nếu gây tai nạn giao thông (làm chết người) có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự bằng hình thức phạt tù. 

2. Các loại bằng lái xe 2, 3 bánh

2.1 Bằng lái xe hạng A1 

Dành cho:

  • Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.
  • Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.

2.2 Bằng lái xe hạng A2

Dành cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

GPLX hạng A2 được điều khiển tất cả các loại xe mô tô 2 bánh tại Việt Nam hiện nay từ xe có phân khối thấp đến cao, đến các loại xe có phân khối khủng nhưng 1000cc hay 2000cc…

2.3 Bằng lái xe hạng A3

Dành cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

2.4 Bằng lái xe hạng A4

Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000 kg.

Điều kiện dự thi sách hạch các loại bằng A (từ A1-A4): 

  • Người đủ 18 tuổi (phải đủ cả ngày, tháng, năm).
  • Các giấy tờ hồ sơ: Đơn đăng kí, CMND, giấy khám sức khỏe,...
  • Thời hạn bằng lái xe hạng A1, A2, A3: Vô thời hạn
  • Thời hạn bằng lái xe hạng A4: 10 năm kể từ ngày cấp 

Xem thêm: Hướng dẫn 8 bước đổi bằng lái xe online tại nhà

3. Các loại bằng lái xe 4 bánh trở lên

3.1 Bằng lái xe hạng B1: gồm 2 loại là B1 và B11

Bằng lái xe hạng B1 số tự động (là bằng lái xe hạng B11 hiện nay) cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

  • Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
  • Ô tô dùng cho người khuyết tật.

(Bằng lái xe hạng B11 chỉ được lái xe số tự động và không được phép hành nghề lái xe). 

Bằng lái xe hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

  • Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
  • Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg

(Bằng lái xe hạng B1 này được phép lái cả xe số tự động và số sàn nhưng không được phép hành nghề lái xe).

giay-phep-lai-xe
 

3.2 Bằng lái xe hạng B2

Cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

  • Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
  • Các loại xe đã được quy định trong giấy phép lái xe hạng B1.

Bằng lái xe B2 được phép lái xe số sàn và số tự động đã bao gồm hạng B1 và được phép hành nghề lái xe.

Điều kiện dự thi sách hạch đối với các loại bằng B: 

  • Người đủ 18 tuổi (phải đủ cả ngày, tháng, năm).
  • Các giấy tờ hồ sơ: Đơn đăng kí, CMND, giấy khám sức khỏe,...
  • Thời hạn bằng lái xe hạng B1: Có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. 
  • Thời hạn bằng lái xe hạng B2: 10 năm kể từ ngày cấp
Hiện nay, đối với chị em phụ nữ nên học lái xe hạng B11 (B1 số tự động) vì rất dễ học và quá trình lái cũng tương đối đơn giản hơn so với xe số sàn. Đối với người lớn tuổi: nếu đã qua độ tuổi cho phép hạng B2 thì bắt buộc tối đa học hạng B1. 

3.3 Bằng lái xe hạng C

Dành cho người điều khiển các phương tiện sau:

  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên
  • Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2. 

Điều kiện dự thi sách hạch bằng C

  • Người từ 21 tuổi trở lên.
  • Các giấy tờ hồ sơ: Đơn đăng kí, CMND, giấy khám sức khỏe,...
  • Thời hạn bằng lái xe hạng C: 5 năm kể từ ngày cấp

3.4 Bằng lái xe hạng D

Dành cho:

  • Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.

3.5 Bằng lái xe hạng E

Dành cho:

  • Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D

Người có bằng lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.

Điều kiện dự thi sách hạch bằng D và E: 

  • Người từ 24 tuổi trở lên. Có ít nhất trên 05 năm hành nghề lái xe, phải có bằng lái hạng B2 hoặc C và 100.000 km lái xe an toàn. Để được nâng dấu lên bằng D, người lái xe phải có trình độ học vấn trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
  • Các giấy tờ hồ sơ: Đơn đăng kí, CMND, giấy khám sức khỏe, bằng cấp tương ứng...
  • Thời hạn bằng lái xe hạng C và D: 5 năm kể từ ngày cấp

3.6 Bằng lái xe hạng F

  • Bằng lái xe hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa. Cụ thể: 
  • Bằng lái xe hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2;
  • Bằng lái xe hạng FC cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2;
  • Bằng lái xe hạng FD cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2;
  • Bằng lái xe hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho GPLX hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.

Điều kiện dự thi sách hạch bằng lái xe hạng F:

  • Người từ 27 tuổi trở lên, có ít nhất trên 05 năm hành nghề lái xe, có 100.000 km lái xe an toàn. 
  • Đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa.
  • Các giấy tờ hồ sơ: Đơn đăng kí, CMND, giấy khám sức khỏe,...
  • Thời hạn bằng lái xe hạng D: 5 năm kể từ ngày cấp

Xem thêm: Quy chế xử phạt khi không có tem kiểm định trong năm 2020

4. Quy định xử phạt khi tham gia giao thông không có bằng lái xe

Nghị định 100/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định về mức phạt đối với người điều khiển phương tiện mà không mang theo hoặc không có Giấy phép lái xe như sau:

4.1 Đối với xe mô tô

  • Trường hợp quên không mang Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
    (Trừ trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia).
  • Trường hợp không có Giấy phép lái xe:

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi dưới 175 cm3.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

4.2 Đối với xe ô tô

  • Trường hợp quên không mang Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (Trừ trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia).
  • Trường hợp không có Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
  • Riêng trường hợp người điều khiển xe không phải chủ phương tiện, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100 thì phạt cả chủ phương tiện về hành vi “Giao xe hoặc để cho người không có Giấy phép lái xe phù hợp điều khiển xe tham gia giao thông” với mức phạt như sau:
    • Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô.
    • Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô. 
Bình luận