Chờ...

Mức xử phạt lỗi không đội nón bảo hiểm mới nhất 2020 

(VOH) – Nón bảo hiểm được xem là một trong những cách góp phần bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông bằng xe máy. 

Có một tình huống như sau: Nếu 2 người chở nhau trên một xe máy nhưng chỉ có 1 nón bảo hiểm. Thì ai nên là người đội nón bảo hiểm đó? Hãy theo dõi bài viết và tìm cho mình câu trả lời nhé!

1. Quy định đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông

Tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung đang phải đối mặt với vấn đề số lượng lớn người bị thương và tử vong do tai nạn xe máy tăng lên đáng kể. Theo thống kê các vụ tai nạn giao thông thì hậu quả nghiêm trọng nhất vẫn là những trường hợp không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến thương tích nghiêm trọng là do những chấn thương từ vùng đầu của người bị nạn. Do đó, việc sử dụng mũ bảo hiểm chính là cẩm nang an toàn giao thông đường bộ được các nước áp dụng, gia tăng sự an toàn cho người điều khiển xe máy, giúp đời sống tinh thần người dân được cải thiện hơn. 

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, những đối tượng sau đây tham gia giao thông bắt buộc phải đội nón bảo hiểm: 

  • Người điều khiển mô tô, xe gắn máy.
  • Người điều khiển xe đạp máy, xe đạp điện.
  • Người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện.

Tuy nhiên, không bắt buộc đội nón bảo hiểm trong những trường hợp sau:

  • Chở người bệnh đi cấp cứu. 
  • Chở trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Mức xử phạt lỗi không đội nón bảo hiểm mới nhất 2020 

Xem thêmCác tuyến đường và khung giờ cấm xe tải tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng 

2. Các trường hợp bị xử phạt khi không đội nón bảo hiểm

Người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện sẽ bị xử phạt nếu:

  • Bản thân không đội nón bảo hiểm.
  • Chở người ngồi sau không đội nón bảo hiểm.

Người ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện sẽ bị xử phạt khi bản thân không đội nón bảo hiểm. Có thể hiểu, theo quy định này, nếu người ngồi sau không đội nón bảo hiểm thì cả người ngồi sau và người điều khiển phương tiện đều bị xử phạt.

Trường hợp đội mũ bảo hiểm vẫn bị xử phạt

Không phải chỉ trường hợp không đội nón bảo hiểm mới bị xử phạt. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện và các loại xe tương tự có đội nón bảo hiểm nhưng trong những trường hợp sau vẫn bị xử phạt như lỗi không đội nón bảo hiểm nếu: 

  • Không cài quai đúng quy cách.
  • Nón bảo hiểm không phải loại dành cho mô tô, xe máy.

Hiện nay, chưa có quy định xử phạt các loại nón bảo hiểm thời trang đơn giản kém chất lượng hay nón bảo hiểm lưỡi trai. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình mỗi người nên lựa chọn chiếc nón có lớp chống xung động cấu tạo tốt, vỏ nón chất lượng đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận đạt chuẩn và tem mác kiểm định đầy đủ vì an toàn của bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. 

Xem thêm7 tuyến cao tốc chính và những lưu ý khi lưu thông trên đường cao tốc ở Việt Nam

3. Mức phạt lỗi không đội nón bảo hiểm

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe chở người ngồi trên xe không đội “nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Như vậy, trả lời cho tình huống đầu bài, nếu chỉ có 1 nón bảo hiểm thì nên để cho người ngồi sau đội. Vì lúc này khi vi phạm, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt người ngồi trước lỗi không đội nón bảo hiểm mà thôi.