Chờ...

7 tuyến cao tốc chính và những lưu ý khi lưu thông trên đường cao tốc ở Việt Nam

(VOH) – Khi lưu thông trên đường cao tốc sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và lưu thông giữa các tỉnh dễ dàng hơn. Bài viết cung cấp những lưu ý để tránh gặp phải sự cố trên đường cao tốc.

1. Đường cao tốc là gì?

Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt. Đặc biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, biển báo hiệu, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình. Đường cao tốc chỉ cho xe ra - vào ở những điểm cụ thể. 

Trường hợp đường cao tốc có 4 làn đường, biển báo chỉ quy định tốc độ chạy trên làn đường (không quy định loại xe) thì thường sẽ gồm hai làn đồng tốc phía sát tim đường, một làn có tốc độ thấp hơn nằm ở giữa và một làn đường dừng khẩn cấp phía lề đường. 

Làn tốc độ thấp (làn giảm tốc độ): Làn di chuyển chậm, dành cho những xe tải chở hàng nặng lưu thông với tốc độ thấp. 

Làn đồng tốc (ở giữa): Làn lưu thông được tốc độ cao, tầm nhìn tốt...Nếu bạn là người mới lái hoặc lần đầu tiên tham gia lưu thông trên cao tốc nếu đi làn này thường không bám được tốc độ chung nên sẽ cảm thấy nguy hiểm.

Làn đồng tốc sát tim đường (làn tăng tốc độ): Làn tốc độ tối đa sẽ gặp nhiều trường hợp bấm còi xin vượt. 

Làn dừng khẩn cấp: Làn đường ngoài cùng bên phải trên cao tốc thường hẹp hơn các làn khác, được tách biệt bằng vạch liền. Tác dụng của làn này là dừng khẩn cấp, dành cho các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Đây còn là làn đường dành cho những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy vào như cứu hoả, cứu thương, công an...

Những điều cần lưu ý khi lưu thông trên đường cao tốc

Xem thêmBật đèn pha trong khu dân cư bị xử phạt như thế nào? 

2. Những điều cần lưu ý khi lưu thông trên đường cao tốc

  • Người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy định giao thông tại Luật Giao thông đường bộ, còn cần phải lứu ý những điều sau: 
  • Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc. 
  • Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc. 
Việc không tuân thủ quy định khi vào - ra đường cao tốc, bên cạnh tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thì lái xe còn có thể bị thổi phạt với mức 800.000 - 1.200.000đ/ 1 lần vi phạm, có thể bị tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1-3 tháng.
  • Không cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường.
  • Quan sát kỹ các biển báo trên đường cao tốc (mỗi đường cao tốc sẽ có chỉ dẫn khác nhau). Ví dụ: đường có bao nhiêu làn, tốc độ cho phép mỗi làn là bao nhiêu…
  • Lưu ý tốc độ tối đa, tối thiểu khi lái xe trên đường cao tốc. Không được đi quá tốc độ tối đa và không chạy thấp hơn tốc độ tối thiểu. Tốc độ tối đa khi lưu thông trên đường cao tốc là 120km/h; tốc độ tối thiểu được ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Thường khi lưu thông trên cao tốc, người điều khiển nên đi với tốc độ trung bình khoảng 80 km/h nếu chậm hơn sẽ rất nguy hiểm khi xe phía sau không nhận biết được vận tốc chung. 
  • Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Không đi quá gần với xe ở làn bên cạnh để tránh va chạm không cần thiết. 
  • Chỉ được dừng, đỗ xe ở nơi quy định: Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người điều khiển phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể di chuyển thì phải báo hiệu để những phương tiện phía sau biết. 
  • Dừng xe trên làn khẩn cấp khi gặp phải sự cố trên đường. 
  • Xe máy có tốc độ thiết kế dưới 70 km/h không được đi vào cao tốc
  • Khi chuyển làn hoặc muốn chuyển làn thì phải xi-nhan, quan sát đủ điều kiện thì mới được chuyển. Điều chỉnh tốc độ phù hợp với tình huống thực tế (chú ý tốc độ cho phép).
  • Không quay đầu xe, lùi xe trên cao tốc: Cần chú ý biển báo hiệu để không đi quá lối rẽ, nếu đi qua sẽ phải chạy thêm nhiều km mất nhiều thời gian. Lùi xe, quay đầu xe trên cao tốc tuyệt đối không được phép, dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông nguy hiểm cho bản thân và những người khác. 
  • Không sử dụng điện thoại, hạn chế tối đa các thao tác không cần thiết: Khi lái xe trên đường cao tốc, tài xế cần phải duy trì sự tập trung tối đa vì vậy không nên sử dụng điện thoại, hạn chế nghe nhạc lớn gây ảnh hưởng. 
  • Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Ngoại trừ các phương tiện được liệt kê trên, thì các phương tiện cơ giới đường bộ khác được phép lưu thông vào đường cao tốc. 

Xem thêmPhí bảo trì đường bộ từng loại xe mới nhất 2020 

3. Những tuyến đường cao tốc chính ở Việt Nam

  1. Đường cao tốc Bắc – Nam: Là tuyến đường cao tốc Việt Nam nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam.
  2. Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Đường cao tốc này nối Đà Nẵng với Quảng Ngãi
  3. Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: Tuyến đường cao tốc quan trọng của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. 
  4. Đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn: Tuyến đường nối các khu khu công nghiệp mới và cảng biển (Thị Vải, Cái Mép..), cảng container (cảng Đồng Nai, Bình Dương, Quận 9) và sân bay Quốc tế Long Thành. 
  5. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương: Tuyến đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. 
  6. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây: Là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai. 
  7. Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Dài 98 km, điểm cuối kết nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.