1. Phải bật đèn xe/đèn chiếu sáng phương tiện giao thông khi nào?
Theo quy định người điều khiển xe ô tô, xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện, máy kéo, xe máy chuyên dùng...) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Cụ thể, tại những thời điểm sau đây người tham gia giao thông bắt buộc phải bật đèn xe với ô tô, xe máy:
- Khi chạy trong hầm đường bộ (tất cả thời gian lưu thông trong hầm).
- Khi chạy xe trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
- Khi chạy xe trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau trong điều kiện thời tiết bình thường.
Các đèn được đề xuất bật gồm: Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần, đèn sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất), đèn chiếu hậu và đèn tín hiệu nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.
2. Mức phạt lỗi không bật đèn xe
Người điều khiển phương tiện không bật đèn chiếu sáng theo quy định (chạy xe trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn, không bật đèn từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, chạy trong hầm đường bộ) sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy: Mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng, 400.000 – 600.000 đồng trong trường hợp chạy trong hầm đường bộ không bật đèn chiếu sáng gần.
Với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự: Mức phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi vi phạm hành vi không bật đèn xe gây tai nạn giao thông, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
3. Xử phạt vi phạm bật đèn pha trong khu dân cư
3.1 Đèn pha của phương tiện giao thông là gì?
Đèn pha là đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa và có tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại trên đường cũng như các biển báo hiệu giao thông từ xa.
Chế độ đèn pha được sử dụng khi tham gia lưu thông trên đường trường, cao tốc. Nghiêm cấm các trường hợp không biết hoặc do cố tình sử dụng đèn pha sai cách trong nội thành, trong khu dân cư đông đúc gây chói mắt, hạn chế tầm nhìn cho các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm, rủi ro cao gây tai nạn cho người khác.
3.2 Mức xử phạt vi phạm
Theo đó, hành vi bật đèn pha sai quy định trong khu dân cư bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô: Phạt từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng nếu sử dụng đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư hoặc sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều, trừ trường hợp các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ (Nghị định 46 trước đây phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng).
- Đối với người điều khiển xe máy: Phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu sử dụng đèn pha chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, tránh xe ngược chiều (Nghị định 46 trước đây phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng).
Cả 2 mức phạt trên đều được áp dụng với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Trong quá trình tham gia lưu thông trên đường, việc người điều khiển sử dụng đèn pha chiếu xa hay gần cũng cần phải tuân thủ theo quy định, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác. Có những tình huống việc sử dụng đèn pha sai cách chính là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông nguy hiểm.