Các loại phương tiện giao thông đường thủy phổ biến nhất

(VOH) – Khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trở nên phổ biến rộng rãi. Bài viết cho biết ưu nhược điểm cũng như một số phương tiện vận tải đường thủy.

1. Loại hình vận tải đường thủy

Trên thế giới, vận tải đường thủy là hình thức vận chuyển quan trọng chiếm 90% tổng khối lượng hàng hóa luân chuyển giữa các nước.

1.1 Ưu điểm của vận tải đường thủy nước ta 

  • Vận tải đường thủy dùng để vận chuyển hàng hóa dài ngày, đặc biệt là chuyển hàng quốc tế. Có thể vận chuyển được nhiều hàng hóa với khối lượng và kích thước lớn. 
  • Với hệ thống sông ngòi dày đặc và chiều dài đường ven biển là 3260km, vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong nước sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. 
  • Tiết kiệm được nhiều chi phí vì có rất ít loại phương tiện đường bộ có thể chuyển được số lượng hàng hóa lớn như tàu thủy nên chi phí sẽ cao hơn nhiều. 
  • Chi phí bảo dưỡng, cải tạo thấp: Đường biển sử dụng đường giao thông là đường thủy tự nhiên nên sẽ hạn chế việc hư hại, hỏng hóc, từ đó cũng ít tốn chi phí cho việc bảo dưỡng, cải tạo.  
  • Vận chuyển được nhiều loại hàng hóa: Vận tải được nhiều loại hàng hóa, với những loại hàng nặng, cồng kềnh hay đơn giản. 

1.2 Nhược điểm của vận tải đường thủy nước ta 

  • Tốc độ di chuyển chậm 
  • Vận chuyển bằng tàu thì không thể giao hàng tới tận nơi mà phải cập bến các cảng và trung chuyển bằng xe vào đất liền. 
  • Phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết: Thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng đến lịch trình giao nhận hàng hóa, có thể trì hoãn một khoảng thời gian không xác định được. 
  • Khó khăn trong việc bảo quản hàng hóa: Vận tải hàng hóa bằng đường thủy thường không bằng phẳng như đường sắt hoặc đường bộ, sóng biển, thời tiết sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc bảo quản hàng hóa, nhất là những mặt hàng dễ vỡ…

Xem thêmGây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?

2. Các loại phương tiện vận tải đường thủy

2.1 Tàu Container

Đây là loại phương tiện chuyên dụng để vận tải hàng hóa thương mại. Có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa có tải trọng lớn trong các container chuyên dụng. Tàu có khả năng vận tải container có trọng tải vô cùng lớn được sử dụng nhiều nhất để giao thương hàng hóa giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

2.2 Tàu chở hàng rời

Thông thường tàu chở hàng rời được dùng để vận chuyển các mặt hàng có khối lượng khá lớn như nông sản, gạo, ngũ cốc… 

2.3 Tàu làm lạnh

Là loại phương tiện để vận tải hàng hóa mau hư hỏng, có các khoang lạnh và hệ thống kiểm soát nhiệt độ để bảo quản hàng hóa. Chủ yếu là vận chuyển hoa quả, thịt cá, các sản phẩm sữa và các loại thực phẩm khác. 

2.4 Phà

Phà là một hình thức vận chuyển, thường như một chiếc thuyền hoặc tàu và có thể chở hành khách và phương tiện của họ. Phà cũng thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và thậm chí là cả xe lửa. Ở Việt Nam, phà là môt phần của hệ thống giao thông công cộng, cho phép việc đi lại và vận chuyển giữa các địa phương.

2.5 Sà lan

Là một loai thuyền đáy bằng, dùng chủ yếu ở sông hoặc kênh đào giao thông để chở những loại hàng hóa nặng. Hầu hết sà lan không có khả năng tự chạy và chúng cần được di chuyển bằng tàu lái hoặc tàu đẩy.

Các loại phương tiện giao thông đường thủy phổ biến nhất 2

3. Điều kiện để phương tiện vận tải đường thủy được phép lưu thông

Theo Điều 24 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, điều kiện hoạt động của phương tiện được quy định như sau:

1. Đối với phương tiện không có động cơ, trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

a. Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

b. Có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký; sơn vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện.

c. Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên. 

2. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a, b nói trên.

3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở người từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm an toàn, sơn vạch dấu mớn nước an toàn và có Giấy chứng nhận đăng ký. 

4. Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm an toàn theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi chủ phương tiện đăng ký hộ khẩu thường trú.

Bình luận