Đăng nhập

Quảng Nam: Quy hoạch 6 bến cảng, 10 cầu cảng

00:00
02:46
02:46
QUẢNG NAM - Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, cảng biển Quảng Nam gồm các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Kỳ Hà, Tam Giang và các khu neo đậu, chuyển tải, tránh, trú bão.

Cầu cảng số 2 cảng Kỳ Hà Ảnh minh họaXem toàn màn hình
Cầu cảng số 2 cảng Kỳ Hà - Ảnh minh họa

Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển khu vực sẽ đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 8,5 triệu tấn đến 10,3 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,6 triệu Teu đến 0,8 triệu Teu), lượng hành khách thông qua từ 34 nghìn lượt khách đến 54 nghìn lượt khách (tuyến Hội An - Cù Lao Chàm).

Về kết cầu hạ tầng, sẽ có tổng số 6 bến cảng, gồm 10 cầu cảng với tổng chiều dài 2.283m.

Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Quảng Nam sẽ đáp ứng cho lượng hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm, hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 1,7%/năm đến 1,8%/năm.

Giai đoạn này, hoàn thành đầu tư các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa phục vụ cho khu kinh tế mở Chu Lai và các ngành công nghiệp khác.

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 120ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 11.490ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).

Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Quảng Nam đến năm 2030 khoảng 5.236 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 3.612 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 1.624 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Để thực hiện quy hoạch này cần nhiều giải pháp từ các cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư, các giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế…

Quy hoạch lưu ý việc tăng cường kết nối hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần sau cảng và dịch vụ logistics (Tam Hiệp, Tam Hòa) để hỗ trợ cho hoạt động cảng biển.

Cùng đó, liên kết giữa các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu và công ty logistics trên địa bàn với các nhà khai thác cảng cạn, kho bãi, nhà cung cấp dịch vụ vận tải tạo thành chuỗi dịch vụ, hướng đến hình thành hệ sinh thái logistics hỗ trợ chủ hàng từ vận chuyển, lưu trữ đến phân phối sản phẩm.

Cục Hàng hải và Đường thủy VN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam công bố, thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành hàng hải tại cảng biển Quảng Nam theo thẩm quyền.

UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch cảng biển và các định hướng phát triển giao thông kết nối cảng biển trong quy hoạch.

Bình luận