Đây là những công trình hạ tầng then chốt, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, tăng cường liên kết vùng và kết nối quốc tế.
Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh vừa chỉ đạo các địa phương liên quan triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, sẵn sàng cho công tác khởi công xây dựng.
Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Tây Ninh dài 26,3km, đi qua thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Bến Cầu.
Dự án này được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2024. Hiện tại, các địa phương đã hoàn tất việc thông báo thu hồi đất đến hơn 2.000 hộ dân và tổ chức, với tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 248 hecta. Công tác niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng đã được tiến hành.
Để đảm bảo tiến độ, dự án đặt mục tiêu phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tháng 6/2025 và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12/2025.
Theo kế hoạch, dự án thành phần 2 (xây dựng đường gom dân sinh và cầu vượt ngang) dự kiến khởi công vào tháng 9/2025, trong khi dự án thành phần 1 (xây dựng đường cao tốc) sẽ khởi công vào tháng 1/2026, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2027.
Tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị được tạm ứng nguồn ngân sách địa phương để chi trả bồi thường, đảm bảo bàn giao mặt bằng kịp thời.

Cùng với cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh cũng đang tích cực triển khai dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1), đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh, dài 28km. Tuyến đường này có quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.500 tỷ đồng.
Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát được xác định là trục giao thông chính Bắc-Nam của tỉnh, kết nối trực tiếp với cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tạo thành một hành lang giao thông quan trọng.
Tỉnh Tây Ninh đã đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hỗ trợ bố trí vốn từ ngân sách Trung ương khoảng 2.534 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Việc hoàn thiện hai tuyến cao tốc này sẽ góp phần phá thế độc đạo, giảm tải cho Quốc lộ 22, đồng thời mở rộng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Vương quốc Campuchia.
Các dự án này không chỉ thúc đẩy giao thương, liên kết vùng giữa Tây Ninh với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn tạo động lực lớn cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp của tỉnh. Chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng, vì lợi ích phát triển chung của cả khu vực.