Qua từng năm, thống kê số liệu tai nạn giao thông giảm và giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là thành quả chung, nỗ lực rất đáng khích lệ.
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2018 – 2020, UBND TPHCM đã tặng bằng khen cho 21 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố, người có hơn 10 năm công tác ở lĩnh vực này là một trong những cá nhân được nhận bằng khen của Thành phố.
*VOH: Tình hình tai nạn giao thông, an toàn giao thông của thành phố chúng ta qua từng năm đều được kéo giảm và giảm sâu. Ông cho biết thêm về những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2016 -2020 mà thành phố đã đạt được.
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Đầu tiên là tình hình tai nạn giao thông đều kéo giảm trên cả 3 mặt, nhất là năm 2020 kéo giảm trên 10% số vụ, số người chết và số người bị thương. Tai nạn giao thông thì liên tục kéo giảm 5 năm liền (từ năm 2016 cho đến nay), đặc biệt là số người chết do tai nạn giao thông hằng năm cũng được kéo giảm đáng kể.
Năm 2016, chết do tai nạn giao thông là 805 người, năm 2017 là 717 người, năm 2018 là 692 người, năm 2019 là 641 người và năm 2020 đó là 564 người. Như thế là chúng ta kéo giảm liên tục nhiều năm.
Trong 5 năm qua, điểm đen về tai nạn giao thông cũng đã được kéo giảm qua các năm, từ 17 điểm năm 2016 đến nay là 8 điểm. Cuối năm 2020, điểm nguy cơ ùn tắc giao thông thì từ 37 điểm của năm 2016 đến nay còn là 22 điểm.
Về trường hợp tụ tập đua xe, gây rối trật tự công cộng từ 118 vụ, chúng ta còn lại 43 vụ vào cuối năm 2020.
*VOH: Trong bối cảnh hạ tầng mở rộng, phương tiện tăng, mật độ lưu thông cao nhưng tình hình tai nạn số người chết ngày càng được kéo giảm qua từng năm là một nỗ lực lớn, ông chia sẻ cụ thể hơn về những nỗ lực này của thành phố trong thời gian qua để kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Thứ nhất công tác chỉ đạo của Thành ủy, điều hành của Ủy ban và công tác tổ chức thực hiện của ban và các sở, ngành liên quan, quận, huyện, phường xã, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã hưởng ứng và cùng tham gia.
Thành phố đã xây dựng nhiều đề án, nhiều kế hoạch cụ thể với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng nơi, của từng đơn vị như nhiều dự án trọng điểm đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Thứ hai là công tác tổ chức giao thông phù hợp và khắc phục dần các bất cập, các điểm đen, tai nạn giao thông và các điểm ùn tắc giao thông cũng được kéo giảm một cách đáng kể.
Công tác tuyên truyền ngày càng được nâng cao hơn về nội dung, hình thức. Nó ngắn gọn hơn, làm cho người dân là dễ hiểu, dễ thực hiện và đa dạng hơn.
Đối tượng để chúng ta tuyên truyền và cách xử lý vi phạm để có nghiêm minh hơn, tập trung vào các nguyên nhân chính đã dẫn đến tai nạn giao thông.
Trong các tồn tại ở các lĩnh vực an toàn giao thông, tôi thấy phải có rất nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ mới có thể cải thiện. Thứ nhất là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Ngoài việc tập trung giáo dục cho các em học sinh từ nhỏ thì phần còn lại là công tác xử lý các hành vi vi phạm phải thực hiện nghiêm minh hơn, làm cho người vi phạm phải sợ, phải tự giác chấp hành.
Thứ hai là kéo giảm ùn tắc giao thông. Đây là vấn đề rất lớn và cũng rất khó đối với TPHCM chúng ta. Chúng ta đã đề ra rất nhiều giải pháp để khắc phục bằng các đề án, các dự án, công trình và phi công trình.
Tôi tin rằng nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp thì tình hình ùn tắc giao thông của thành phố sẽ được khắc phục trong thời gian tới.
*VOH: Đến thời điểm này, ông đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác an toàn giao thông thành phố ở cương vị là Phó trưởng ban chuyên trách. Với một quá trình như thế thì chắc chắn là có rất nhiều điều đáng nhớ, nhất là khi thực trạng an toàn giao thông, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm đáng kể. Ông chia sẻ đôi điều đáng nhớ nhất trong hành trình đó?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Thời gian đầu khi tiếp nhận công tác, tôi cũng rất lo lắng và cũng tâm tư không biết mình sẽ làm gì với thực trạng an toàn giao thông thành phố. Tai nạn giao thông gì mà một năm đến 1.400 người chết, bị thương thì hàng ngàn người. Con số này rất lớn.
Cả nước thời điểm đó không có chức danh là Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông, chỉ có TPHCM là có.
Được sự động viên của cấp trên, bạn bè, người thân và gia đình, làm công tác này, bản thân có rất nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn.
Vui là tai nạn giao thông tại TPHCM, từng bước, từng bước được kéo giảm đáng kể qua từng năm. Từ 1.400 người chết một năm đến nay chúng ta chỉ còn có 564 người.
Thứ hai, chúng ta hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thứ ba là trật tự lòng lề đường được thông thoáng hơn trước đây, tình trạng đua xe, chạy xe thành từng đoàn cũng giảm đáng kể so với trước.
Thứ tư là việc trực tiếp tham mưu và chủ động đề xuất hiến kế cho UBND thành phố nhiều giải pháp cụ thể liên quan tới trật tự an toàn giao thông.
Thứ năm là thực hiện được vai trò kết nối với các đơn vị liên quan, tạo được mối quan hệ phối hợp tốt trong công tác.
Thứ sáu là trực tiếp theo dõi và chỉ đạo hai đoàn kiểm tra liên ngành đường bộ và đường sắt cũng như là đường thủy hoạt động hiệu quả.
Còn buồn và lo là tình trạng tai nạn giao thông còn ở mức cao.
Cũng còn một huyện ở thành phố mà tình hình tai nạn giao thông chưa kéo giảm được nhiều, số lượng người tử vong rất cao, trên 100 người/năm, đây là trăn trở.
Thứ hai là chuyện ùn tắc giao thông chưa được khắc phục một cách triệt để theo như mong muốn.
Thứ ba, về trật tự lòng lề đường, vỉa hè chúng ta cũng đã bỏ ra nhiều công sức nhưng thật sự chưa đáp ứng theo yêu cầu và mong muốn. Thứ tư, chúng tôi thấy ý thức của người tham gia giao thông cũng còn một bộ phận chưa cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông trong thời gian qua.
*VOH: Cảm ơn ông!