Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND thành phố kế hoạch tổ chức ba tuyến “luồng xanh” đường thủy nhằm vận chuyển cát từ Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3.
Ba tuyến vận chuyển chuyên biệt này có chiều dài từ 150 đến 240km, kết nối các mỏ cát hợp pháp tại Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre đến ba huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.
Cụ thể, tuyến thứ nhất đưa cát về Củ Chi qua sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Soài Rạp, sông Sài Gòn và rạch Tra. Tuyến thứ hai đến Hóc Môn qua sông Vàm Cỏ Đông, rạch Vàm Trảng, kênh Thầy Cai và kênh Xáng An Hạ. Tuyến còn lại về Bình Chánh theo kênh Xáng An Hạ.
Dự kiến, trong năm 2025, tổng nhu cầu cát cho 5 gói thầu phía Tây dự án là khoảng 3,6 triệu m³, tương đương 3.610 chuyến sà lan, bình quân 30 chuyến mỗi ngày. Cát sẽ được đưa về từ các mỏ được cấp phép và tập kết tại 24 bến thủy nội địa ở TPHCM.

Để quản lý và kiểm soát hoạt động vận chuyển, Sở Xây dựng kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) cấp mã QR cho 102 phương tiện thủy tham gia vận chuyển, đi kèm các giấy tờ hợp lệ như hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát, địa điểm xuất phát – điểm đến.
Một tổ công tác liên ngành cũng được thành lập để kiểm tra phương tiện thông qua phần mềm Zalo, với sự tham gia của Công an TP, Bộ đội Biên phòng, các cảng vụ và đơn vị liên quan.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết toàn tuyến hiện còn thiếu khoảng 3,7 triệu m³ cát. Riêng khu vực phía Tây – gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh – cần khoảng 5 triệu m³, nhưng đến nay mới đưa về được khoảng 1,5 triệu m³. Trong tháng 6, dự án buộc phải có thêm ít nhất 2 triệu m³ cát mới có thể đảm bảo tiến độ.
TPHCM kỳ vọng việc thiết lập các “luồng xanh” đường thủy sẽ giúp tối ưu hóa công tác vận chuyển vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công Vành đai 3 – công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.