Chờ...

Trường hợp nào được đổi bằng lái xe máy và thủ tục cụ thể?

(VOH) – Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp việc cấp đổi bằng lái xe trở nên dễ dàng hơn. Bên dưới là những thủ tục để cấp và đổi lại bằng lái xe máy trong trường hợp hư hỏng và bị mất.

1. Trường hợp được cấp giấy phép lái xe máy mới

Các trường hợp được đổi Giấy phép lái xe (GPLX) hay còn gọi là Bằng lái xe sẽ rơi vào các trường hợp như:

  • Công dân Việt Nam (VN) có nhu cầu muốn cấp GPLX từ VN sang Quốc tế hoặc ngược lại.
  • Đổi bằng lái giấy cũ sang thẻ PET mới khi tới thời hạn. (Theo quy định giấy phép lái xe hạng A1 cũ phải đổi sang giấy phép lái xe mẫu mới- thẻ cứng PET, đây là một loại thẻ nhựa vừa có độ bền rất cao lại vừa giúp các cơ quản có thẩm quyền quản lý dễ dàng hơn.
  • Bị mất bằng lái xe còn hoặc đã mất hồ sơ gốc.
  • Bằng lái xe bị hỏng, biến dạng, không nhìn rõ thông tin trên thẻ. 
  • Năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên Giấy phép lái xe có sai lệch so với năm sinh, họ, tên, tên đệm trên giấy chứng minh nhân dân.

Bằng lái xe Hạng A1: Đây là hạng bằng lái xe cơ bản thấp nhất trong các bằng lái xe, được dùng cho người điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3 và người khuyết tật điều khiển xe môtô ba bánh dùng cho người khuyết tật.

Bằng lái xe Hạng A2: Dùng cho người điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Xem thêm: Cách phân biệt thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông

2. Quy trình làm thủ tục đổi bằng lái xe máy 

2.1 Những giấy tờ cần chuẩn bị

  • Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu (ghi thông tin và ký tại chỗ, không cần xác nhận).
  • Giấy phép lái xe cũ, giấy CMND, CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
  • Hồ sơ thi GPLX gốc (trong trường hợp bị mất bằng làm lại, nếu còn giữ thì đem theo). 

2.2 Lệ phí

Cấp đổi Bằng lái xe theo mẫu mới là 135.000 đồng, theo Thông tư 188/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016.

Thi lại sát hạch (lý thuyết và thực hành): Theo Thông tư 188/2016/TT-BTC về mức thu, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên phương tiện và lệ phí thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4) như sau: 

  • Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần
  • Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

2.3 Địa điểm làm việc

Khi có nhu cầu cấp, đổi lại Giấy phép lái xe do Sở Giao thông vận tải TPHCM cấp, hoặc do Sở Giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố khác cấp, hoặc do Công an, Giấy phép lái xe do ngành Quân đội cấp, thì hãy đến địa chỉ:

  • Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp GPLX. 
  • Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT nơi sinh sống, làm việc.

Hoặc các trung tâm sát hạch lái xe tại:  

  • 51/2 đường Thành Thái, P. 14, Q.10.
  • 08 đường Nguyễn Ảnh Thủ, P. Trung Mỹ Tây, Q.12.
  • 111 đường Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú.
  • 937 đường Tạ Quang Bửu, P. 5, Q.8.

Hầu như giờ làm việc của các điểm tiếp nhận cấp, đổi GPLX sẽ trong thời gian hành chính từ Thứ 2 đến Thứ 6, cụ thể:

  • Sáng: từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 10 phút.
  • Chiều: từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút.

Xem thêmAi có quyền xử lý vi phạm giao thông? Ai có quyền dừng xe?

Những trường hợp nào được đổi bằng lái xe máy và thủ tục cụ thể?

3. Các trường hợp không đổi được giấy phép lái xe mẫu mới

Giấy phép lái xe bằng giấy bìa còn thời hạn sử dụng được tiếp tục sử dụng và được đổi sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET theo lộ trình: Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước ngày 31/12/2020. Sau thời gian trên người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải thi sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe PET mới. 

Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp nhưng không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe, bảng kê danh sách cấp giấp phép lái xe (sổ quản lý).

Người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.

Giấy phép lái xe của quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng.

4. Mức xử phạt về lỗi bị mất bằng lái xe 

Trường hợp có bằng lái nhưng bị mất, chỉ còn giữ hồ sơ gốc thì hồ sơ này cũng không thay thế được bằng lái, người điều khiển phương tiện vẫn bị xử phạt như không có Bằng lái xe. 

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt khi không có bằng lái xe như sau: 

Đối với xe máy: Người điều khiển không có bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng; không mang theo bằng lái bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Bên cạnh đó, để không bị tạm giữ Bằng lái xe, nhiều tài xế đã sử dụng mẹo là báo mất. Tuy nhiên, nếu đã báo mất mà vẫn tiếp tục sử dụng Bằng lái đó để tham gia giao thông, tài xế sẽ bị xử lý nghiêm và với trường hợp này bằng lái đó sẽ được coi là không có giá trị sử dụng.

Cùng với đó, tài xế sẽ bị thu hồi Bằng lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe; đồng thời còn không được cấp Bằng lái xe trong 05 năm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.