Vành đai 2 TPHCM là trục đường bao quanh nội đô thành phố với tổng chiều dài 64km, giúp phân luồng, hạn chế xe chạy xuyên tâm, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp. Hiện tuyến đường này còn khoảng 14km chưa khép kín.
Trong đó, 2 đoạn của Vành đai 2 dài 5,3km đi qua khu Nam TPHCM được khái toán chi phí đầu tư khoảng 13.000 tỉ đồng bằng vốn ngân sách TPHCM.
Đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Văn Kiệt dài 1,9km, tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Dự án giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu rộng 60m, sau đó làm đường song hành hai bên (mỗi bên 2 làn ôtô và một làn hỗn hợp).
Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc mở rộng đường sau này. Trên tuyến cũng xây hầm chui qua đường Kinh Dương Vương, cầu vượt trên đại lộ Võ Văn Kiệt.
Đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh dài 3,4km, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỉ đồng. Đoạn này cũng giải phóng mặt bằng rộng 60m, làm trước đường song hành hai bên (mỗi bên 2 làn ôtô và một làn hỗn hợp). Trên tuyến còn lại xây cầu Phú Định, Ba Tơ, cầu vượt trên tuyến Nguyễn Văn Linh.
Hai đoạn Vành đai 2 trên được đánh giá quan trọng, khi hoàn thành sẽ mở thêm hướng kết nối các Quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh về phía Nam thành phố. Trục này giúp giảm ùn tắc cho Quốc lộ 1, tăng năng lực giao thương hàng hóa ở khu vực.
Ngoài hai đoạn trên, 3 đoạn còn lại chưa hoàn thành của Vành đai 2 TPHCM đều ở TP Thủ Đức.
Trong đó, đoạn 1 dài 3,5km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là Xa lộ Hà Nội) tổng vốn khoảng 9.328 tỉ đồng và đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài 2,5km, tổng vốn 4.543 tỉ đồng. Hai đoạn này được đầu tư bằng vốn ngân sách TPHCM, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2027.
Riêng đoạn 3 dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2017 nhưng còn đang dang dở, dừng thi công từ suốt 4 năm qua.