Xây hầm chui nối Quận 1 và Quận 4 thành không gian công cộng hấp dẫn

VOH - Tại đường Tôn Đức Thắng sẽ xây hầm chui dài hơn 1km, có 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự án là  2.100 tỉ đồng từ 2024 – 2030.

Thời gian qua, người dân đến công viên bến Bạch Đằng vui chơi, giải trí, nhưng lại khó đi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu trung tâm chợ Sài Gòn, người bộ hành phải băng ngang đường Tôn Đức Thắng có lượng xe qua lại rất cao.

Do đó, nếu có hầm chui qua đường Tôn Đức Thắng, khu vực trên có thể hình thành một trục không gian công cộng hấp dẫn, vì có thể tổ chức các hoạt động từ nối tiếp từ trung tâm ra bờ sông Sài Gòn để xem các loại hình như nhạc nước, bắn pháo hoa bờ sông.

Đường Tôn Đức Thắng đoạn tiếp giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng
Đường Tôn Đức Thắng đoạn gần với phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng

Con đường này kết nối trực tiếp phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, công viên bến Bạch Đằng và là một trong vài tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với Quận 4 và khu Nam TPHCM.

Từ đó, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư dự án xây dựng hầm chui đường Tôn Đức Thắng trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Hầm chui dưới đường Tôn Đức Thắng dài hơn 1km (từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son), rộng 20,5m, đáp ứng 4 làn xe lưu thông hai chiều.

Tổng mức đầu tư hầm chui khoảng 2.100 tỉ đồng bằng ngân sách TPHCM, triển khai giai đoạn 2024 – 2030.

Đường Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm Quận 1, dài khoảng 2km, điểm đầu giao tuyến Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội.

Theo Sở GTVT TPHCM, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng đã được đưa vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) Khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930ha).

Theo đồ án trên, TPHCM sẽ mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, trong đó tổ chức các không gian công cộng liên hoàn dọc bờ Tây sông Sài Gòn.

Mặt đất đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh) dành cho không gian đi bộ và xe điện; chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm bên dưới kết hợp với bãi xe ngầm.

Ngoài ra, khu vực trên, tương lai sẽ có cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (do tư nhân đầu tư) kết nối hai không gian mở của khu trung tâm hiện hữu và trung tâm mới là Thủ Thiêm.

Bình luận