Hiếm khi thấy Ba thợ hồ trầm ngâm, tư lự như vậy nên Tư hưu trí thấy cũng ớn ớn, thấy bất an giùm ông bạn già chí cốt.
Tư hưu trí cứ đi đi lại lại, dòm hổng dám dòm, hỏi hổng dám hỏi, Ba thợ hồ mới lên tiếng “Tui thấy lo cho mấy đứa nhỏ quá anh tư. Sao ngày xưa mình lớn lên vô tư, hồn nhiên như cây cỏ, có trái me cũng chia, trái ổi cũng cùng nhau cắn. Chuyện gì cũng kể, có khi cãi nhau chí chóe, khóc la ỏm tỏi rồi lại chơi chung, vui cười quên ngày quên tháng. Hồi xưa khổ cực thiệt mà đâu có cái cảnh đau xót như bây giờ. Anh coi tui có phải quá bi quan hôn anh tư”.
Thiệt ra thì Tư tui thấy thường ngày Ba thợ hồ có hơi hoài niệm thôi dù cái tính lúc nào cũng nóng như lửa. Nhưng đời mà, ai già mà hổng nói chuyện ngày xưa. Nhưng nay thì đúng là có chút bi quan. Chẳng lẽ lại là chuyện gì động trời động đất nữa hay sao mà Ba nhìn đời tối thui tối thít vầy nè.
Chưa kịp cất lời hỏi cho ra ngô ra khoai thì Ba thợ hồ nói tiếp “Chuyện đến trường đến lớp là cố gắng lớn của những đứa trẻ khi không may có gia cảnh nghèo khó. Nhưng khi đến lớp rồi thì bị bạn bè bắt nạt, sợ hãi đến nỗi đòi chuyển lớp nọ, học trường kia, có khi còn muốn nghỉ học luôn. Anh coi, thằng nhỏ mới 10 tuổi, lớp 5 chứ mấy, vậy mà sợ bạn gì đó, nuốt 9 viên bi sắt. Trời ơi, tui già 2 thứ tóc trên đầu nghe còn lạnh gai óc, nổi da gà. Đằng này, thằng nhỏ mới tí tuổi. Bị thủng ruột chứ chơi đâu anh. Nghe đâu cắt bỏ 40cm ruột bị hoại tử. Anh người trầm tính, phân tích lí lẽ, anh nói tui nghe coi anh Tư”.
Ảnh minh họa
Quả là sự việc quá đau lòng. Tư tui qua nay cũng xót xa sự tình của bé trai này. Bạo lực học đường, áp bức tinh thần không chừa đứa trẻ nào. “Tư tui đau lòng lắm anh ba. Chắc mấy đứa nhỏ giờ nó chơi game bạo lực, hay là thấy cảnh bắt nạt trên phim ảnh, rồi ngoài đời thường nữa nên tụi nó bị nhiễm lúc nào không hay. Hở ra là đánh nhau, là kéo băng kéo nhóm ăn hiếp bạn mình. Tui thì tui nghĩ mấy đứa này còn nhỏ, nên cũng có phần hiếu động, rồi thêm nghe lời xúi giục hổng hay của bạn bè chứ tụi nhỏ nó cũng hổng phải là đứa xấu gì, cũng chưa nghĩ đến tác hại của việc ép bạn mình nuốt này nuốt kia. Mình người lớn cũng đừng lên án đả kích tụi nó quá rồi sinh ra điều hổng hay. Hổng có bạo lực nào được giải quyết bằng bạo lực đâu anh, nhứt là mấy đứa nhỏ, khi nhận thức của chúng nó còn chưa hoàn thiện. Ở đây, tui nghĩ là gia đình, nhà trường cần quan tâm con em mình nhiều hơn, mà nhứt là gia đình nha anh Ba. Mình không thể cứ phó mặc con cái cho nhà trường hết được. Sáng chở để con ở trường, chiều rước con về, cho đi học thêm học bớt gì đó đến tối rước về, rồi ăn ngủ là xong, hết nhiệm vụ. Cha mẹ, ông bà hổng có thời gian nói chuyện với con. Rồi con cái gặp chuyện gì nó cũng hổng biết nói cùng ai. Những bí bách bị dồn nén lâu ngày, dần dà mà thành ung thành nhọt, thành những suy nghĩ và hành động thái quá. Có đứa phản ứng lại bằng cách bắt nạt đứa yếu hơn mình. Có bé thì đành ngậm đắng nuốt cay, chịu cảnh bị tra tấn, cả tinh thần lẫn thể xác từ bạn bè. Rồi thì chán học, rồi thì ù lì, rồi thì tự kỉ, lớn lên thành đứa yếm thế. Nghĩ mà xót”
Ba thợ hồ thấy đúng là quá cơ cực cho những đứa trẻ ấy. Chúng chịu cô đơn ở ngôi trường mình học, và hơn hết chúng cô độc từ chính ngôi nhà của mình. Phụ huynh bây giờ dường như chỉ chú trọng vào thành tích, điểm số học tập của con mà quên mất việc dạy dỗ con cái, rèn luyện uốn nắn nhân cách của con. Ba mẹ lao vào cuộc mưu sinh mà bỏ quên những giây phút ngồi nghe con nói, tâm sự cùng con để hiểu con, biết những mối quan hệ xung quanh con mình. Ba thợ hồ giọng cương quyết “Con cái là tương lai của cha mẹ. Ba tui thấy hổng có lí do nào là chính đáng để nói rằng ba mẹ không có thời gian bên con mình. Tui thấy cần giải quyết triệt để từ chính đứa bé bị ăn hiếp và đứa trẻ bắt nạt bạn mình. Cha mẹ hai bé, cô giáo, ban giám hiệu cần ngồi lại nói chuyện và tìm ra hướng giải quyết anh Tư à. Mình lớn, phải nói cho con nó hiểu. Phân tích thấu đáo, và có biện pháp xử lí phù hợp. Có như vậy thì mới hạn chế tối đa tình trạng đứa này đánh đứa kia, hay đứa kia ăn hiếp đứa nọ. Người lớn nghen, cũng phải sửa đổi bản thân mình. Không thể mình thì la lối người này, quát mắng người kia mà kêu con cái phải yêu thương bạn bè. Cha mẹ phải làm gương cho con. Hãy cứ nghĩ một ngày con mình bị bạo hành thì mỗi khi bàn tay vung lên của người cha người mẹ Ba tui tin rằng chắc chắn họ phải hạ xuống, phải kiềm lại cơn nóng giận của mình. Có vậy thì mới không còn cảnh áp bức tinh thần, bạo lực học đường nữa. Có vậy thì Ba tui mới có thể thở phào, nhìn bọn trẻ hồn nhiên lớn lên mỗi ngày, có nhân cách tốt được”.