Hãy là người dùng tỉnh táo

(VOH)-Thời… loạn In tẹc nét, chưa biết ất giáp gì cứ lên nét nói gì thì nói, còm ai thì còm, cho banh cửa nát nhà người khác đã. đúng sai tính sau…Ái chà chà Hai Sài gòn buồn quá.

Thưa bà con, Ba thợ hồ thường ngày bỗ bã, giọng nói oang oang cả xóm nay ngồi im ru, hổng thèm tiếp bạn già, mà toàn dán mắt nhìn chằm chằm vô cái điện thoại màn hình đen thui,Tư hưu trí thấy lạ quá xá.

Tưởng mình nói gì sai, nên Ba thợ hồ phật ý, Tư hưu trí rón rén ôm bàn cờ đi về. Nào dè, Tư hưu trí chưa dợm chân, Ba thợ hồ cất giọng nhão hơn cơm nếp. “Chẳng lẽ giờ ước gì mình cứ sống thế kỷ hồi đó anh tư hen, xài đèn dầu leo lét, cái ra-dô rột rẹt bắt cải lương cho cả xóm nghe vậy mà thâm tình. Có đâu bây giờ xã hội phát triển quá, mạng miếc thì  ầm ầm, in tẹc nét chạy ào ào mà tình người sao nó chán quá anh Tư. Sao người ta dễ dàng chửi nhau, mạt sát nhau. Mà có được gì đâu ngoài việc gieo tiếng xấu cho người này người kia. Anh thấy hôn, nói quá trời quá đất, lấy hình, lấy ảnh cắt ghép lung tung làm thằng nhỏ ở Bình Thuận nó muốn độn thổ, luôn bỏ học luôn. Trời ơi, tương lai của  con người ta, của gia đình người ta đó. Tấr cả nó tung lên mạng…Thấy bất nhẫn quá hả anh tư”.

Đúng là cái nhăn nhó của Ba thợ hồ có lí do và rất đúng. Tư hưu trí cũng thấy hổm rày cái chuyện cô giáo-học trò gì đó ầm ĩ mà nguyên nhân thực sự chưa rõ, không biết có đúng như vậy hay không, sự thật thế nào, mông lung hết chỗ nói. Mạng này thì nói kiểu này, mạng khác thì nói kiểu khác làm người đọc cũng rối tinh rối mù, lúc đầu lại còn ,mạng  làm giả mặt thằng học trò đưa mặt thằng khác lên nữa chứ. Mà thiệt tình là Tư cũng hổng thể nào tin nổi là có nhiều người vô bình luận cứ như chuyện đúng rồi,  rành rành như chuyện của nhà mình. Trong khi cơ quan chức năng thì chưa kết luận gì mà  mấy “ anh hùng bàn phím “ của mạng xã hội thì lên án người này, kết tội người kia. Đến nỗi thằng nhỏ bị lấy ghép hình ảnh phải nhập viện, đòi bỏ học vì xấu hổ, cha mẹ khóc hết nước mắt, bỏ làm, bỏ ăn. Tư hưu trí nói thiệt, ai nói Tư bảo thủ thì Tư chịu chứ cái kiểu đưa thông tin kiểu đó Tư hổng ưng. “Tư tui cũng giống như anh Ba nghen. Ai nói tui sống ở thế kỉ trước tui hổng có giận chứ Tư tui hổng xài phâybút, phây biếc gì đâu. Mạng xã hội, công nghệ này nọ chưa thấy hay ho gì mà chỉ thấy qua vụ này, thương tụi nhỏ. Ai cũng có gia đình, con cái. Mấy đứa nhỏ làm sao sống nổi khi mà trên mạng tràn lan tin về ba mẹ mình, mà toàn tin tiêu cực, đặc biệt là chưa  biết đúng  sai thế nào. Bất nhẫn ghê anh Ba à. Tui là tui đề nghị cắt hay cấm luôn in–tec-nét cho nó lành”.

Trang mạng giả  mạo.

Nãy giờ, Hai Sài Gòn đứng ở cửa nên cũng hiểu câu chuyện của hội bạn già. Đúng là bức xúc của hai ông bạn cũng có lí khi mà bây giờ thông tin trên mạng bị nhiễu, làm cho mọi người hoang mang. Ngay cả mấy trang mạng chính thống còn bị làm giả, đăng bài viết với ý đồ  sực mùi … nước mắm thì làm sao dân tình hổng lo lắng cho được. Nhất là bây giờ bài mang tính giựt gân gây sốc thì lan truyền với tốc độ ánh sáng, còm-men thì tá lả, tùy tiện, làm cho người trong cuộc lao đao, người ngoài thì nhốn nháo. Nhưng hổng thể để suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe Ba thợ hồ và Tư hưu trí, Hai Sài Gòn tui mới từ tốn “Giận thì nói vậy chứ sao mà cấm, sao mà cắt được hả anh Tư. Thời đại công nghệ thông tin 4.0 là phải có mạng, thế giới phẳng mà anh. Mạng có cái tích cực của mạng chứ  anh,Ngồi trên mạng mình học điều hay của thế giới. Nhưng mà thiệt, hai anh nói cũng hổng có sai là hiện nay có nhiều trường hợp trên mạng không kiểm soát được thông tin, nên đưa thông tin sai, bình luận tiêu cực thậm chí là  chửi bới cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của người ta. Nhưng mình cũng hổng phủ nhận được là mạng xã hội cũng có cái hay của nó. Giải cứu nông sản nhờ mạng xã hội mà lan truyền, mảnh đời bất hạnh nhờ mạng xã hội mà được quan tâm giúp đỡ của đông đảo dân mình. Hay nói đâu xa, gương người tốt việc tốt cũng nhờ mạng xã hội mà lan sâu lan rộng chứ hai anh”.

Ba thợ hồ và Tư hưu trí nghe Hai tui nói cũng có vẻ thông nhưng chưa hài lòng. Ba thợ hồ muốn là nhà mạng phải quản lí chặt chẽ hơn, nhất là đã có luật an ninh mạng. Phải xử lí thì mới hạn chế được việc nói chưa đúng hay vu oan, ném đá người ta. Hai Sài Gòn tui cũng mong muốn như vậy nhưng ở đời hổng phải chuyện gì cũng dễ dàng mà làm được. Thôi thì, trước hết, mỗi người tự bảo vệ mình trước khi bị ô nhiễm thông tin bằng cách là tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin. Và hơn hết, mỗi người ý thức câu chuyện mình nói, bình luận mình ghi trên mạng để tránh việc tạo dư luận không hay trong xã hội. Có vậy mới làm cho nhóm bạn già của Hai Sài Gòn tui an lòng, hả dạ chớ! Phải không bà con.