Chờ...

Kỷ lục cho ai?

(VOH) – Cái bệnh hám danh, háo lợi ăn sâu vào trong “máu” của những người thích phô trương, khoe khoang để mà suốt ngày thích xác lập cho thật to, thật lớn. Mà kỷ lục cho ai ?

Ba thợ hồ đang lúi húi chuẩn bị quà cho mấy đứa nhỏ lang thang trong xóm. Có cái lồng đèn bằng giấy, cái bánh dẻo với mấy cuốn tập, cây viết mà Ba thợ hồ thấy vui trong bụng quá cỡ. Không nhiều thì ít, mấy đứa nhỏ cũng có cái trung thu vui vẻ, được sống với tuổi thơ với cái đèn ông sao, cá chép… Ấy vậy mà Tư hưu trí đi xồng xộc vô nhà, mặt hầm hầm còn hơn bị xù nợ.

Ba thợ hồ chưa kịp hiểu đầu đuôi ất giáp gì thì Tư hưu trí đã gằn giọng “Kỷ lục, kỷ liếc cái gì hổng biết mà thấy nó chướng quá trời quá đất. Mà kỷ lục nào cho ai, để làm cái gì? Ta nói nó nặng 3 tạ cho cái bánh trung thu ? Rồi ai ăn, ăn làm sao ? Hay ghi kỷ lục cho vui rồi đem bỏ, hao tiền, tốn của cho cái niềm vui …nửa mùa đó hả anh Ba?”.

Bán Trung thu "khủng"

Bán Trung thu "khủng" tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc năm 2005. Hình minh họa

Ba thợ hồ tui thấy Tư hưu trí nói đúng quá đúng. Đúng là vô bổ, vớ vẩn, lãng phí kinh khủng. Mấy nay, Ba tui có nghe phong thanh cái vụ xác lập kỷ lục cặp bánh trung thu nặng tới …300 ký thấy nó lạ kỳ lắm rồi, mà cái hội gì gì lo đi xác lập chắc cũng rảnh dữ ha !

Còn biết bao nhiêu đứa trẻ thiếu thốn, đừng nói gì vùng sâu vùng xa, ngay tại đô thị cũng còn thiếu bánh cho các cháu ngày trung thu, thiếu lồng đèn đón chị Hằng với các bạn. Vậy mà người lớn nỡ lòng nào chạy theo danh hão, xác lập kỉ lục này, thành tích nọ. Có tiếng lúc đó rồi sau đó bánh trung thu để làm  gì  hay sẽ tái diễn cảnh phản văn hóa, dẫm đạp lên bánh, ăn không xong, cho không được, làm ảnh hưởng đến cả môi trường xung quanh như cái vụ kỷ lục bánh chưng năm nào.

Tư hưu trí gằng giọng nói tiếp “Nhớ về tiền nhân là học tập người hiền cái tinh thần tiết kiệm, cái yêu thương đoàn kết. Chứ tiền nhân nào kêu làm cái bánh cho to, cho nặng, rồi nói là sử dụng với mục đích từ thiện. Từ thiện mà Tư tui biết là hổng có phô trương, bày vẽ. Ông bà mình chia nhau hạt muối, củ gừng, chia nhau cái bánh, chén cơm lúc khốn khó.

Vậy mà trọn tình trọn nghĩa nghen anh Ba. Có biết bao nhiêu người làm từ thiện mỗi ngày, họ âm thầm lặng lẽ làm, họ gói ghém chút tình trong từng cái bánh nhỏ, trong cái đèn giấy mà nó thấy ấm áp, thân thương. Chứ cái gì mà chạy theo thành tích rồi nói là sau đó làm từ thiện. Ai nói Tư tui bảo thủ, Tư tui hổng giận chứ làm từ thiện kiểu này Tư tui giận lắm. phản đối đầu tiên nghen anh Ba… “Nó chẳng ra làm sao !”.

Ba thợ hồ tui nghĩ cũng lạ, đất nước còn nhiều khó khăn, người nghèo  đâu khó kiếm, mấy đứa nhỏ chịu cảnh thiếu thốn vẫn còn, vậy mà người ta cứ chạy theo danh tiếng phù phiếm. Danh này là danh hão, tiếng này là tai.. tiếng chứ hay ho gì cho cam.

Chỉ cần suy nghĩ kỹ một chút, làm việc xã hội thực chất một chút đã là hương thơm, đã là tiếng tăm cho ngày sau rồi. Ba thợ hồ nghĩ là phải chăm lo cho các em từ những việc nhỏ, từ cuốn tập đi học, từ cây viết cho con mùa tựu trường, từ cái bánh em ăn  đón tết thiếu nhi, chứ có phải đợi trăng rằm tháng tám rồi bày vẽ chuyện ruồi bu kiến đậu.

Ba thợ hồ cũng ấm ức như Tư hưu trí mấy bữa nay. Gọi điện cho Hai Sài Gòn qua để giải thích cho nó đỡ suy nghĩ mà Hai hổng nghe máy. Mà cái kiểu chạy theo kỷ lục này, đua theo kỷ lục kia thì có tới 10 ông Hai Sài Gòn cũng hổng giải thích nỗi chứ nói chi một ông bạn đánh cờ. Cái kiểu tư duy hết thành tích thả đèn hoa đăng tháng 7 đến xác lập bánh trung thu tháng 8 diễn ra hoài chắc giải tán hội bạn già của Ba thợ hồ quá. Hai Sài Gòn trốn biệt chứ sao trả lời cho nổi những chuyện oái oăm kia ! Đúng là khổ mà.

Phản văn hóa từ bệnh thành tích - (VOH) - Việc thả 30 ngàn ngọn hoa đăng bằng nhựa xuống biển vào mùa Vu Lan khiến Ba Thợ hồ thấy dị hợm và phản văn hóa?

Cần xem lại quy định bán xe phải xác nhận độc thân - (VOH) - Hổm rày trời mưa liên tục, đường sá nhiều nơi bị ngập mà chiếc xe máy cà rịch cà tang bị chết máy hoài nên Ba thợ hồ định bán nó để tậu chiếc khác đi cho chắc cú.