Tư hưu trí bình luận việc lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội và Công an Tỉnh Thái Nguyên kiên quyết kỷ luật giáng cấp bậc hàm và cho ra khỏi ngành đối với Đại úy Lê Thị Hiền, cán bộ công an quận Đống Đa (Hà Nội) người đã gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất và quyết định giáng cấp bậc hàm, cho xuất ngũ đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ công an Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) của ngành công an được dư luận đồng tình và hoan nghênh. Tui thấy rõ ràng xử lý giáng chức, cho rời khỏi ngành hai cán bộ trên thể hiện sự kiên quyết xử lý những cán bộ chiến sĩ vi phạm, không bao che các hành vi vi phạm của lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội, Công an Tỉnh Thái Nguyên nói riêng và ngành công an nói chung. Đồng thời, là những biện pháp cần thiết làm trong sạch bộ máy, giữ vững niềm tin của nhân dân. Nhìn nhận từ thực tế, việc xử lý kỷ luật cán bộ chiến sĩ công an không chỉ với riêng ngành công an mà với xã hội cũng là điều đáng buồn.
Ba thợ hồ cũng cho là người dân mong muốn số cán bộ chiến sĩ công an thoái hóa biến chất, không còn đủ tư cách, phẩm chất đạo đức xem thường người dân cần phải loại bỏ khỏi ngành để giữ vững niềm tin vào lực lượng bảo vệ chính quyền, bảo vệ pháp luật. Nghe anh em bàn luận, Hai Sài Gòn tham gia, là cám bộ chiến sĩ công an nhân dân ai cũng thuộc nằm lòng 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho lực lượng công an nhân dân sự quan tâm đặc biệt, chăm lo xây dựng lực lượng công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; vì nhân dân phục vụ, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Người đã để lại cho lực lượng công an nhân dân nhiều di huấn quý báu. Bác Hồ chỉ ra tư cách người công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo. “Tư cách người công an cách mệnh” đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng công an nhân dân; là chuẩn mực đạo đức, lối sống, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện, phương châm hành động, biện pháp công tác của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an; là nguồn gốc, động lực, cội nguồn sức mạnh để lực lượng công an nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tư hưu trí đồng tình với phân tích của Hai Sài Gòn, anh đề nghị Hai Sài Gòn phân tích thêm ý nghĩa 6 điều Bác dạy công an nhân dân. Hai Sài Gòn nói “ý nghĩa trong 6 điều Bác Hồ dạy biểu hiện ở chỗ, nó đều nhằm giải quyết các mối quan hệ xã hội của người cán bộ chiến sĩ công an nhân dân trong xã hội. Đó là mối quan hệ từ gần đến xa, từ cái riêng đến cái chung, mà giữa các mối quan hệ đó là những đức tính, những nhân cách được khái quát hóa cao, tạo nên tư cách của người chiến sĩ công an nhân dân. Trong tất cả các mối quan hệ của con người trong xã hội thì cái gốc, cái căn bản, cái quyết định chi phối các quan hệ khác chính là sự tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương ở mỗi con người. 6 điều Bác dạy là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn các giá trị đạo đức phương Đông, phương Tây và các giá trị đạo đức tốt đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lời Bác dạy là sự kết hợp tài tình giữa một sự khái quát cao ở tầm nội dung tư tưởng với một cách thể hiện rất giản dị, đời thường dễ hiểu như những quan hệ ứng xử hàng ngày giữa con người với con người, giữa con người với công việc”.
Tư hưu trí, Ba thợ hồ ai cũng vui vẻ phấn khởi trước sự phân tích của Hai Sài Gòn, Tư hưu trí liên hệ thực tiển liền “lẽ ra được đứng trong hàng ngũ công an nhân dân, Đại úy Lê Thị Hiền hay Thượng úy Nguyễn Xô Việt cần phải giữ gìn tác phong, đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, tuân thủ nguyên tắc ứng xử, trong đó phải luôn ghi nhớ “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Nhưng với tư tưởng làm “quan cách mạng” họ đã xem thường tất cả những quy định, gây ra những hành vi xấu xí, làm hoen ố hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân”
Hai Sài Gòn nói tiếp “Vì sao Bác Hồ lại nhắc nhở công an phải kính trọng, lễ phép với nhân dân? Đó là vì công an nhân dân là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước nhưng đây lại là lực lượng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hi sinh và phục vụ”. Có thể khẳng định thái độ ứng xử đối với nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách người công an cách mạng. Rõ ràng không ai có thể ngờ một nữ đại úy lại có thể xúc phạm, lăng mạ, chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Không ai có thể chấp nhận, một thượng úy công an ngồi sỗ sàng trên con bò cảnh, sẵn sàng ném xúc xích tát nhân viên chỉ vì họ thắc mắc việc con trai thượng úy mua đồ chưa trả tiền. Ai cho phép họ hành động như vậy”
Tư hưu trí trả lời liền “họ tự cho phép họ chứ ai. Tại sao vậy, vì họ thể hiện là người có quyền, xem thường luật pháp, xem thường người dân, nên phải thể hiện nơi công cộng cho người khác biết mình là ai mà không biết những hành động đó vô cùng phản cảm, vi phạm nguyên tắc ứng xử, trái điều Bác Hồ dạy lực lượng công an nhân dân làm xói mòn niềm tin, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tin của lực lượng công an nhân dân”.
Nữ Đại úy Lê Thị Hiền bị "loại" khỏi ngành công an
Hai Sài Gòn khẳng định, việc loại họ ra khỏi hàng ngũ lực lượng công an là việc làm cần thiết để cảnh tỉnh, răn đe với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng trong việc ý thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình. Đồng thời, làm cho nhân dân có thêm niềm tin đối với lực lượng công an và sự nghiêm minh của pháp luật. Niềm tin ấy được nhân lên khi mới đây Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nói sẽ chỉ đạo chấn chỉnh “tư cách người công an” trong toàn lực lượng. Bởi qua vụ việc vừa nêu ở trên, không chỉ ngành công an mà dư luận, nhân dân cả nước đều mong muốn không có thêm một cán bộ chiến sĩ công an nhân dân nào khác tái diễn hành vi tương tự. Việc chấn chỉnh toàn lực lượng là cần thiết./.