Nỗi lo người dân khi được đốt pháo bông dịp lể, tết, khai trương

(VOH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định mới bổ sung về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm pháo nổ.

Thưa bà con! Anh Ba thợ hồ với vẻ rất ư khẩn trương, đập cửa nhà Hai Sài Gòn để hỏi thăm chuyện gì quan trọng lắm, tình cờ anh gặp Tư hưu trí cùng anh em trong nhóm cà phê sáng, mừng rỡ Ba thợ hồ hỏi luôn “nghe nói Chính phủ mới ban hành Nghị định cho phép người dân được đốt pháo bông trong dịp tết, sinh nhựt phải không?” Rồi Anh kêu trời “Cấm đốt pháo mấy chục năm nay bà con mình mừng gần chết, bây giờ cho phép đốt pháo lại là gây lãng phí, là gây tai họa cho bà con. Thiệt tình tui không hiểu nổi”

Ảnh TTO

Để đã thông tư tưởng bạn mình, Hai Sài Gòn giải thích liền “Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, Nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ. Kể từ ngày 11/01/2021 (thời điểm nghị định có hiệu lực), người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hoa mà không cần phải xin phép trong các dịp được nêu ở trên. Nghị định cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”.

Tư hưu trí “xía” vô liền “tui nói thiệt tui nghi ngờ tính tự giác của một bộ phận bà con mình lắm, một vì lợi nhuận, hay vì thích làm hàng dõm. Tui hỏi mấy anh lực lượng nào, quân số bao nhiêu để quản lý đầu ra của pháo bông đây? Cái nữa Nghị định mới bổ sung cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa tức là gì? Có phải ai cũng được xử dụng chứ gì?”

Ảnh minh họa: TTO

Hai Sài Gòn bình tỉnh khuyên nhủ anh em “Mấy anh cứ bình tĩnh, Nghị định mới ban hành, chờ văn bản hướng dẫn thực hiện nửa. Tui nói nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về thực hiện Nghị định nầy. Tui ví dụ việc Nghị định là nghiêm cấm dùng pháo nổ, nhưng trong văn bản giải thích khái niệm các loại pháo trong nghị định dễ gây hiểu nhầm và vẫn còn mâu thuẫn.như khoản 1 điều 3 quy định: Pháo bao gồm "pháo , nổ, pháo hoa" nhưng điểm a, khoản 1 điều 3 lại có thuật ngữ: "pháo hoa nổ tầm thấp", "pháo hoa nổ tầm cao" và điểm b lại giải thích định nghĩa về "pháo hoa". Điều này dẫn đến những cách hiểu khác nhau nếu không nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và trên thực tế khi công bố nghị định đã làm cho nhiều người dân hiểu nhầm rằng mình có thể được sử dụng pháo hoa nổ, trong khi tìm hiểu kỹ thì thấy các loại pháo hoa nổ mà người dân vẫn đốt chui thời gian qua vẫn bị cấm sử dụng.”

Ba Thợ hồ vỗ tay bem bép ‘phải rồi, tui cũng thấy như thế, nhưng tui hỏi mấy anh nè ngoài chuyện quản lý đầu ra pháo bông ra, vấn đề quản lý trong sử dụng bất cẩn thì thế nào. Tui ví dụ trong đám cưới gia chủ để vật dễ cháy gần chổ đốt pháo bông ra mà không ai biết thì sao đây?”. Tư hưu trí “đề” thêm một câu “dân mình còn nghèo, miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, sạt lở búa xua mà đốt pháo bông càng gây ra thêm lối sống lãng phí - xa hoa - tiêu cực, trước khi bắn pháo hoa, hãy xem chúng ta đã làm hết cách để tiết kiệm hay chưa, hơn nữa việc quản lý pháo lậu sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Dù rằng nơi bán pháo hợp pháp, song việc quản lý phòng cháy chữa cháy, an toàn cháy nổ đối với những nơi này sẽ ra sao, nhất là gần những khu dân cư đông đúc?”. Ba thợ hồ nêu ý kiến cá nhân “tui thấy Nhà nước mình quy định thường rất chặt chẽ nhưng khi thực hiện mới thấy phát sinh biến tướng khó lường”. Tư hưu trí “hiến kế”: Cứ tập trung bắn pháo bông như hằng năm, vào các dịp lễ tết mới giữ được tâm lý háo hức mà an toàn cho mọi người.

Hai Sài Gòn đồng tình với ý kiến của Tư hưu trí, bởi Nghị định quy định rõ rang: “Vào dịp giao thừa tết Nguyên đán, các Thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Các tỉnh còn lại được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút. Ngày Quốc khánh, các Thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút ở khu vực đền Hùng. Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút ở Thành phố Điện Biên Phủ... Ngoài ra còn có các dịp được bắn pháo hoa như: kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng quyết định. Theo tui Nghị định không hề cấm xử dụng pháo bông trong dân, nhưng không được gây tiếng nổ, vấn đề mấu chốt là phải quản lý như thế nào cho an toàn, đốt có nơi có chổ chứ không phải mọi người mọi nhà được đốt pháo bông. Nói gì thì nói bà con mình cũng phải tính tới vụ tiết kiệm nữa chứ”. Anh em trong “hội” cà phê sáng ai cũng cho lý lẻ của Hai Sài Gòn là thỏa đáng.     

Bình luận