Mạnh tay triệt để dẹp nạn pháo sáng

(VOH) - Sự việc một nữ cổ động viên nhập viện vì trúng pháo sáng ở trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định tại vòng 22 V.League diễn ra trên sân Hàng Đẫy đã gióng lên hồi chuông báo động...

Sợ hãi, bất bình xen lẫn sự phẫn nộ là cảm xúc của rất nhiều người khi chứng kiến cảnh tượng một nữ cổ động viên bị thương do trúng pháo sáng, ở trận đấu Hà Nội gặp Nam Định trên sân vận động Hàng Đẫy tại V-League, diễn ra tối 11/9.

Phải khẳng định rằng, đây là những hình ảnh vô cùng xấu xí của bóng đá Việt Nam. Không phải đến bây giờ, mà vấn nạn pháo sáng đã được nói đi nói lại rất nhiều lần. Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn ở sân vận động là điều có thể nhìn thấy trước, nhưng pháo sáng vẫn được mang vào sân như thách thức. Hậu quả cổ động viên trúng pháo bị thương chính là lời cảnh báo, đã đến lúc phải mạnh tay triệt để dẹp nạn pháo sáng khỏi đời sống bóng đá Việt Nam.

Hàng chục quả pháo sáng được bắn đi từ khu vực CĐV đội khách trong trận Hà Nội thắng Nam Định 6-1

Hàng chục quả pháo sáng được bắn đi từ khu vực CĐV đội khách trong trận Hà Nội thắng Nam Định 6-1. Ảnh: VNE

Đến sân thưởng thức một trận bóng đá, thông thường, điều người hâm mộ quan tâm là diễn biến và kết quả. Thế nhưng, dù chủ nhà Hà Nội có chiến thắng đậm, nhưng đọng lại sau trận đấu không phải vấn đề chuyên môn mà là sự cố nghiêm trọng liên quan đến pháo sáng, làm bị thương một nữ cổ động viên. Theo dõi trận đấu, cứ mỗi bàn thắng đội khách ghi được, cổ động viên Nam Định lại liên tiếp cho bắn pháo sáng. Một quả pháo sáng được bắn từ khán đài B sang khán đài A đối diện với tốc độ rất nhanh, trúng phải đùi một nữ cổ động viên, tóe máu. Nữ cổ động viên được đưa đến bệnh viện, và phải phẫu thuật ít nhất 2 lần. Nhiều nhà báo tác nghiệp trên sân chia sẻ, họ đã chụp cận cảnh vết thương, nhưng không đăng báo vì quá bất nhẫn. Nói vậy để thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề. Với mức sát thương như vậy, ở sân vận động đông người, những hậu quả nặng nề hơn hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kiểm soát được pháo sáng mang vào sân.

Cảnh tượng pháo sáng bị ném xuống sân cũng không phải điều quá xa lạ với khán giả V-League. Tuy nhiên, sự cố pháo sáng diễn ra tại Hàng Đẫy hôm 11/9 thì chưa từng có, và chắc chắn là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất. Nhiều người hoảng hốt la hét và bỏ chạy. Sau khi quả pháo đó phát nổ, vì sự an toàn, rất nhiều khán giả bế con ra về. Đồ rằng, chưa chắn họ đã dám quay lại sân lần nữa khi nguy cơ mất an toàn luôn rình rập. Hầu hết các câu lạc bộ có lượng khán giả tăng tinh thần cổ vũ văn minh lịch sử, để lại hình ảnh đẹp. Thế nhưng vẫn còn một số cổ động viên quá khích, thiếu ý thức, tinh thần, thái độ cổ vũ thiếu lịch sự làm mất điểm và ảnh hướng lớn đến những nỗ lực của các cầu thủ, các câu lạc bộ, của cả hệ thống bóng đá trong việc kéo khán giả đến sân, chung tay xây dựng hình ảnh giải đấu ngày một đẹp hơn, góp phần thắp lửa tương lai bóng đá nước nhà. Sự cố rõ ràng cũng làm hình ảnh bóng đá Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế, cũng như người hâm mộ bóng đá thế giới.

Theo công văn hỏa tốc của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam báo cáo Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Ban tổ chức trận đấu của Câu lạc bộ Hà Nội đã chủ quan, buông lỏng các biện pháp an ninh, không thực hiện phương án an ninh như đã thống nhất với ban điều hành giải. Không hiểu những người có trách nhiệm ở sân Hàng Đẫy đã kiểm soát kiểu gì mà cổ động viên Nam Định có thể đem hàng chục quả pháo sáng vào sân. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị điều hành giải cho biết đã xuống tận nơi diễn ra trận đấu và họp công tác an ninh trước đó. Các bên liên quan đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, lực lượng an ninh ra sao, cổng từ bao nhiêu cái, vé phân phối như thế nào, cổ động viên bao nhiêu người. Tất cả đã được lên phương án. Nhưng sau khi kiểm tra lại thì sân Hàng Đẫy thực hiện không đúng như kế hoạch, ban tổ chức trận đấu không hoàn thành nhiệm vụ. 

Đây cũng không phải lần đầu tiên ban tổ chức trận đấu của Câu lạc bộ Hà Nội để xảy ra sự cố an ninh nghiêm trọng trên sân Hàng Đẫy. Trước đó, trên sân này hồi tháng 4, trong trận đấu với Hải Phòng, tình trạng pháo sáng tràn lan trên các khán đài đã gây nên nhiều bức xúc. Luật pháp nghiêm cấm các hành vi đốt pháo, vật liệu nổ nơi công cộng. Đốt pháo gây thương tích là có dấu hiệu vi phạm hình sự. Ở sân vận động đông người, hành vi này càng phải được kiểm soát chặt chẽ và triệt để. Điều đáng tiếc là nếu Ban tổ chức trận đấu quyết liệt và trách nhiệm hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn, sự việc đã có thể được ngăn chặn và phòng ngừa. Chính vì thế, sự cố rất nghiêm trọng trên sân Hàng Đẫy cần phải được xử lý nghiêm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị Công an vào cuộc điều tra. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các bên liên quan phối hợp làm rõ, xử lý đến nơi đến chốn. Đây là những việc cần làm và phải làm.

Đã đến lúc làm mạnh tay để dẹp bỏ nạn pháo sáng. Cổ động viên vào sân để cổ vũ, để thưởng thức những trận đấu rực lửa theo nghĩa tích cực nhất mà bóng đá mang lại, chứ không phải chứng kiến dày đặc khói lửa pháo sáng và nguy cơ mất an toàn như sự cố đã xảy ra. Và pháo sáng gây nguy hiểm tới tính mạng con người, cần phải triệt để loại bỏ là điều hiển nhiên.

CLB Hà Nội bị 'treo sân' 2 trận, nộp phạt 85 triệu đồng vì sự cố pháo sáng: Câu lạc bộ Hà Nội phải thi đấu 2 trận không có khán giả trên sân Hàng Đẫy và bị phạt 85 triệu đồng sau sự cố pháo sáng xảy ra hôm 11/9.
Bình luận