Văn hóa từ chức

(VOH) - Tư hưu trí quay qua nhìn Ba Thợ hồ rồi buông giọng tỉnh rụi: “Chắc tui từ chức Hội phó Hội Bàn trà mình quá anh Ba. Lý do sức khỏe! Mơi mốt chắc ít họp hội với mấy anh!”.

Thưa bà con! Hội anh em bạn già đẩy đưa hết mấy bình trà “quạu”, Tư hưu trí quay qua nhìn Ba Thợ hồ rồi buông giọng tỉnh rụi: “Chắc tui từ chức Hội phó Hội Bàn trà mình quá anh Ba. Lý do sức khỏe! Mơi mốt chắc ít họp hội với mấy anh!”.

Hơi bất ngờ, Ba thợ hồ nhìn lại ông bạn già: “Gì vậy anh Tư. Hổm rày thấy anh khỏe như Voi, bàn chuyện thời sự đông tây kim cổ ầm ầm, tự nhiên kêu sức khỏe xuống, ít họp hội nghe buồn vậy”. Tư hưu trí không trả lời mà nhìn Ba thợ hồ cười cười. Quá hiểu ông bạn già, biết ngay bị “cà khịa”, nhưng chưa rõ “ất giáp mô tê”, Ba thợ hồ nhìn sang Hai Sài Gòn. Cười khà khà, Hai Sài Gòn mới từ tốn giải thích: “Anh Ba nghe vụ sức khỏe nên mới không để ý, ổng nói lý do sức khỏe chứ có nói sức khỏe xuống đâu. Hơn nữa có ai bầu ổng làm Hội trưởng Hội phó Hội Bàn trà nào đâu mà từ chức!”. Ba thợ hồ vỗ đùi cái đét, ờ há, làm mấy ông bạn già cười rần rần. Ba thợ hồ hơi “quê quê”, nên nói liên thanh: “Biết ngay anh Tư nói vụ xin thôi chức của mấy ông lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới đây chứ gì. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh xin thôi giữ chức vụ sau khi bị kỷ luật khiến dân tình xôn xao. Mà hỏi anh Tư nè, văn hóa từ chức ở nước ngoài là chuyện rất bình thường mà mấy vụ này ở xứ mình lại xôn xao ồn ào?”.

Văn hóa từ chức

Ảnh minh họa: Tuổi trẻ cười

Tư hưu trí khẳng định chắc nịch: Thì dân tình xôn xao là phải rồi. Chứ nói thiệt tình, tui thấy vụ xin thôi chức này không ổn lắm nha. Mấy anh cũng thấy rồi. Xét về sai phạm, cả hai ông đều gây "họa" không nhỏ. Trước đó, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo. Ông Trần Ngọc Căng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Bị kỷ luật vậy rồi thì thấy rõ uy tín giảm sút. Động thái của họ chỉ là một bước nhằm giảm tai tiếng sau này. Văn hóa từ chức vì thế không có ý nghĩa”.

Ba thợ hồ gật đầu, rồi lý sự: “Biết đâu sau khi bị kỷ luật đã nhìn nhận được sai phạm của bản thân nên rút lui, nhường cơ hội cho những người có năng lực tốt hơn. Đó cũng là hành động đáng tuyên dương”.

Tư hưu trí nói tiếp: “Nếu được vậy thì quá tốt. Nhưng mà từ chức một cách “trong sáng”, vì lợi ích của dân, của nước thật sự hiếm lắm mấy anh. Thiệt tình là tui thấy kiểu “làm mình làm mẩy”, kiểu như hờn dỗi đòi trả lại khi không vừa lòng. Mà đâu phải chỉ có trường hợp 2 lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới đây. Nhiều vụ lắm rồi. Sau khi mắc sai phạm nghiêm trọng, đã bị xử lý hoặc đang chờ xử lý là các vị lấy “lý do sức khỏe” xin nghỉ. Tui mà kể ra là một lô, một lốc dài luôn.

Trừ những trường hợp ngoại lệ, nói gì nói, quan chức “xin nghỉ vì lý do sức khỏe sau khi bị kỷ luật” khiến nhiều người không đồng tình. Thậm chí, nhiều đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường còn khẳng định “bị kỷ luật mà lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ là không trung thực với nhân dân”. Bị kỷ luật đến mức xin nghỉ mà còn mập mờ lý do. Ông Bí thư và ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi viện dẫn lý do “tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự đại hội Đảng bộ” rõ ràng là chưa thẳng thắn nhận lỗi sau khi đã làm sai, vi phạm pháp luật Nhà nước, vi phạm kỷ luât Đảng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, địa phương”. Thậm chí, nghỉ thì nghỉ, sai phạm vẫn phải tiếp tục làm rõ, phát hiện sai đến đâu xử lý đến đó - Đảng và Nhà nước khẳng định vậy rồi. Nếu có tham nhũng thì thu hồi tài sản tham nhũng, giảm bớt thiệt hại cho dân, cho nước chứ”.

Nghe Tư hưu trí làm một tràng dài nhưng ý tứ đâu ra đó rõ ràng, mấy ông bạn già cùng gật đầu đồng tình. Ba thợ hồ nói thêm: “Nhân vụ này tui nhớ trường hợp ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) mấy năm trước. Ông xin nghỉ hưu trước 2 năm để “nhường ghế cho lớp trẻ”, dân tình tiếc quá chừng. Trước khi xin nghỉ, ông Sự đã có nhiều đóng góp lớn trong hai nhiệm kỳ làm Bí thư Thành uỷ Hội An, được dân thương, dân mến. Nên khi xin về nghỉ sớm, tâm thế của ông cũng khác, nhẹ nhõm, thanh thản.”

“Thì dân tin, dân thương, dân nhớ thôi” - Hai Sài Gòn tiếp lời. “Nói thiệt, chúng ta đâu có thiếu cán bộ giỏi, được dân thương dân quý. Nếu làm quan là để phục vụ, để cống hiến và con đường thăng tiến bằng tài, bằng đức thì việc từ bỏ địa vị sẽ dễ hơn nhiều. Nay, khi cụm từ “chạy chức, chạy quyền” được nhắc tới như một vấn nạn thì việc từ chức càng trở nên khó khăn. Xin nghỉ, xin thôi nhiệm vụ khi đã nhúng chàm, khi không còn cách nào khác, nghỉ vì lý do này nọ, thì ai mà tin phục. Đợi có quyết định kỷ luật rồi mới từ chức thì chưa thấy sự tự giác. Từ chức khi không còn đủ uy tín là một việc làm tự nguyện, tự giác khi thấy mình có khuyết điểm, không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ. Đây mới là thái độ trung thực với chính mình, là biểu hiện của sự tự trọng, là nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, là văn hóa từ chức. Phải không, thưa bà con!

Hai Sài Gòn