“Văn hóa từ chức” – nói dễ làm không dễ

(VOH) - Anh Hai Sài Gòn nè! Lóng rày, nghe thiên hạ bàn tán khá xôm tụ về cái gọi là “văn hóa từ chức”. Chuyện này mang tính thời sự à nghen! Nhất là mới đây ở thủ đô Hà Nội có đến 5 vị hiệu trưởng đồng loạt xin nhường ghế.

Chuyện về "văn hóa từ chức” Anh Hai có cao kiến gì nói ra cho Tư Cổ Cò với bà con nghe thử.

Theo Hai Sài Gòn thì “văn hóa từ chức” chỉ là cụm từ được dùng ở thời đương đại, còn bản chất, nội dung của sự kiện này chính là hành động “treo ấn từ quan” mà hết thảy đông tây kim cổ đều có. Đó là một hành động xuất phát từ nhận thức đúng đắn về tính hiệu quả trong công việc và nghệ thuật dùng người vì lợi ích chung.

Nếu đông tây kim cổ đều có, vậy theo Anh Hai thì đâu là nguyên nhân thường gặp? Có nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung vẫn là nhận thức: đã đến lúc vị trí, công việc mà ta đang đảm đương nên dành lại cho người khác thì sẽ phát huy hiệu quả tích cực hơn. Lịch sử nước ta há chẳng từng có những vị quan xin treo ấn cáo lão về quê như Chu văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến đó sao? Các vị quan này cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc nhiễu nhương mà mọi cố gắng của bản thân, kể cả hành động dâng sớ xin trảm 7 kẻ nịnh thần của Chu văn An, cũng khác nào ném đá xuống ao bèo. Vậy là xin từ chức.

Xin từ chức còn có nguyên nhân từ sức khỏe, tuổi tác. Xin từ chức còn có ý thức trách nhiệm về công tác quản lý của người đứng đầu theo kiểu “cấp dưới làm sai thì thủ trưởng phải tự thấy trách nhiệm liên đới mà xử sự”.

Ngay trong Đảng ta, sai lầm trong chủ trương cải cách ruộng đất trước kia há chẳng phải đã có đồng chí lãnh đạo cấp cao xin từ chức đó sao? Nói tóm lại, dù bất cứ lý do gì, việc xin từ chức là hành động thể hiện người có nhân cách, có lòng tự trọng, biết nghĩ đến lợi ích chung. Có trường hợp xin từ chức là thể hiện lòng dũng cảm, là hành vi mang tính văn hóa. Bởi thế mới có cụm từ “văn hóa từ chức”.

Phân tích nghe được đó! Bây giờ đề nghị anh Hai Sài Gòn hãy trở lại câu chuyện cụ thể về 5 vị hiệu trưởng ở Hà Nội xin từ chức.

Theo chỗ Hai Sài Gòn được biết qua báo, đài thì sự việc diễn ra ở quận Hà Đông (Hà Nội). Đây là kết quả đáng ngợi khen của ngành Giáo dục - Đào tạo quận về công tác cán bộ. Nghe đâu công tác quy hoạch được địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục, khách quan. Việc 5 vị hiệu trưởng xin từ chức xuống làm phó hiệu trưởng là do ngành giáo dục Hà Đông đã tham mưu miễn nhiệm 5 vị theo “văn hóa từ chức”, bởi họ yếu kém về năng lực quản lý, chưa quy tụ được quần chúng, để xảy ra nội bộ mất đoàn kết kéo dài, chất lượng giáo dục không chuyển biến.

Dù được tham mưu nhưng ở đời ít ai chấp nhận từ bỏ quyền lực đâu anh Hai. Nói thiệt! Thời buổi này tìm được người có văn hóa từ chức là không phải dễ. Lẽ nào đây là nét đặc thù của ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành nghề cao quý đào tạo những kỹ sư tâm hồn? Kể ra thì cũng đúng một phần. Nhưng chớ nên khẳng định ngành Giáo dục - Đào tạo không có mặt trái. Chú Tư Cổ Cò cũng thấy đó! Nào là thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; nào là chạy trường, mua bằng rồi đạo luận văn tốt nghiệp, copy đề tài khoa học… diễn ra đầy rẫy.

Xã hội nước nào chả thế! Nhưng với quận Hà Đông thì chính quyền ở đây làm rất bài bản. Tư Cổ Cò được biết, mấy năm gần đây Hà Đông từng đưa 6 cán bộ quản lý có năng lực và phẩm chất tốt tại các trường nội quận về tăng cường cho các trường ngoại quận chất lượng giáo dục còn thấp; đưa một đồng chí Phó trưởng Phòng luân chuyển xuống làm hiệu trưởng trường THCS, bổ nhiệm 2 đồng chí giáo viên giỏi có năng lực quản lý về làm hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ở 1 trường ngoại quận còn khó khăn.

Bởi vậy mới nói: Một khi chính quyền địa phương quan tâm sâu sát, “văn hóa từ chức” được xem là chuyện đời thường thì lúc bấy giờ mới không còn sức ì, lực cản. Lực cản cho sự phát triển xã hội hầu như là do thói quan liêu, tư tưởng tham quyền, cố vị của cán bộ đương chức. Do vậy, muốn thực hiện cải cách và phát triển thì phải bắt đầu từ yếu tố con người, từ công tác tổ chức.

Nói vậy chú Tư có đồng ý với Hai Sài Gòn không vậy. 

Còn phải hỏi! Nhưng nên nhớ “văn hóa từ chức” - nói dễ làm không dễ đâu nhé!


Học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội - Ảnh minh họa.