Nhân viên y tế cũng cần được quan tâm, chăm sóc

(VOH) - Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có giải pháp khắc phục, cũng như tôn vinh, khen thưởng người thầy thuốc kịp thời.

Thưa bà con!

Thấy Tư hưu trí cứ trầm ngâm, không hào hứng góp chuyện như mọi khi, Ba thợ hồ mới khều ông bạn già: “Cuối năm mà rầu rầu vậy anh Tư. Thời buổi sống chung với dịch, cẩn thận tuân thủ 5K đầy đủ, chứ đừng lo quá, lạc quan mà chống dịch chứ”. 

Tư hưu trí từ tốn nói: “Chưa lạc quan nổi đâu mấy anh. Phòng chống dịch thì ai cũng cố gắng, nhưng anh Ba biết lực lượng nào vất vả, nguy hiểm nhất không?

Ba thợ hồ trả lời ngay tắp lự: “Thì chắc chắn là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế rồi”. 

Tư hưu trí ừ, rồi nói tiếp: “Mấy anh biết bây giờ nhân viên y tế đang xin nghỉ việc tăng cao không? Theo Sở Y tế Thành phố, năm 2020 có gần 600 nhân viên y tế xin nghỉ việc, còn năm 2021, chỉ tính trong 10 tháng đã có thêm gần 1.000 trường hợp xin nghỉ việc, chủ yếu khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế. Lý do mà họ nêu phần lớn là việc cá nhân, gia đình. Nhưng mà thực tế là nhiều người cảm thấy quá tải, kiệt sức, trong khi thu nhập bèo bọt. Chính ông Giám đốc Sở Y tế đã thừa nhận điều này tại kỳ họp HĐND TPHCM đầu tháng 12 vừa qua, rằng “nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là có lý do. Nếu nói nhân viên y tế đã kiệt sức cũng không sai bởi gần 8 tháng trôi qua, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp”.

Ba thợ hồ nghe xong cũng rầu theo: “Cái này tui cũng thấy vậy. Mình cứ tính sơ sơ một phường cỡ vài chục ngàn dân, mà trạm y tế đâu có 5-7 người, làm sao mà gánh nổi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho mấy chục ngàn người, thậm chí nhiều hơn. Bao nhiêu chương trình mục tiêu quốc gia nè, từ sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ trẻ em, người cao tuổi, các bệnh truyền nhiễm, rồi vệ sinh môi trường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khoẻ…. Ta nói, nhân viên y tế than rằng, 5-7 người chia ca trực triền miên, đi sớm về muộn cũng không xuể nổi. Đó là trong điều kiện nhiệm vụ bình thường, chứ lúc bùng dịch thì khối lượng công việc còn kinh khủng nữa. Môi trường làm việc nguy cơ cao, ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng gia đình, nên nói nhân viên y tế chịu áp lực công việc quá lớn, quá tải, làm việc đến kiệt sức là đúng rồi. Chưa kể lương bổng, thu nhập nhận được chưa tương xứng”.

Hai Sài Gòn nghe mấy ông bạn già cảm thán liền góp lời: “Thời dịch thì khối lượng công việc của họ mấy anh cứ nhân đôi, nhân ba lên, liên tục 7-8 tháng không nghỉ là hiểu áp lực cỡ nào. Đó là y tế cơ sở, còn chăm sóc và điều trị ở các bệnh viện cũng áp lực vô cùng. Nghe đâu mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, mỗi người làm việc theo tua kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày, trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục. Mà đồ bảo hộ mấy anh thấy rồi, ai mặc thử chừng vài chục phút đã thấy rất khó chịu, nóng nực rồi, họ phải mặc suốt ngày nào cũng 8-12 tiếng. Làm việc cường độ làm việc cao, nhưng điều kiện dinh dưỡng, nghỉ ngơi thì còn rất là sơ sài. Môi trường làm việc thì nguy cơ cao, tính sơ bộ riêng TPHCM đã có trên 900 nhân viên y tế phơi nhiễm trong quá trình tham gia chăm sóc, điều trị người bệnh. Còn ngày nghỉ hay ngày lễ gì đó thật sự là thứ xa xỉ. Chưa kể những nghịch lý kiểu như “đi chống dịch tiền còn ít hơn người ở nhà”. Nhiêu đó đủ để mấy anh hình dung rồi. Cho nên khi nghe nhiều người cắn răng viết đơn xin nghỉ, Hai tui thiệt tình thông cảm”.

Tư hưu trí gật đầu đồng tình: “Đi chống dịch chắc không có nhân viên y tế nào đi vì tiền hết. Mà cũng hổng có ai quan tâm so đo thiệt hơn về chuyện tiền bạc trợ cấp, hay mong được tung hô, khen ngợi gì đâu. Trách nhiệm y bác sĩ trước đại dịch, nên ai cũng sẵn sàng lên tuyến đầu. Nhưng nói gì nói, phía sau họ còn gia đình, còn con nhỏ, còn người thân và bao nhiêu thứ phải lo, nhưng thu nhập không đủ lo thì thiệt tình tui cũng cảm thấy có lỗi với những người cống hiến của họ”.

Nhân viên y tế cũng cần được quan tâm, chăm sóc 1
Thủ tướng động viên đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TPHCM.

Ba thợ hồ nói: “Thấy vậy rồi thì cần chế độ chính sách đảm bảo thu nhập, giữ chân nhân viên y tế để họ có thể yên tâm công tác, trụ vững trước dịch bệnh phức tạp chứ. Nói gì nói, nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho mọi người, nhưng chính bản thân họ cũng cần được quan tâm, chăm sóc cả về sức khỏe, vật chất và tinh thần chứ”.

Hai Sài Gòn cười tiếp lời: “Thì mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có giải pháp khắc phục, cũng như tôn vinh, khen thưởng người thầy thuốc kịp thời. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản gửi các sở ngành lấy ý kiến đóng góp dự thảo tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong đó, kiến nghị tăng biên chế cho mỗi trạm lên 20 biên chế nhằm giảm áp lực cho hệ thống này. Ngành y tế đưa ra 3 chính sách lớn, bao gồm chính sách giữ chân, tăng cường và thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở. Thêm nữa là đề xuất sắp tới thành phố cần ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn, đặc biệt là bác sĩ. Chi tiết thì khá nhiều, qua 2 năm chống dịch, vai trò của hệ thống y tế cơ sở quan trọng cũng được thấy rõ rồi. Nếu kiến nghị được chấp thuận thì Hai tui nghĩ sẽ có cải thiện đáng kể đó, góp phần giữ chân nhân viên y tế, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế cơ sở. Được vậy thì đáng mừng!”