Bất khả xâm phạm

(VOH) - Thưa bà con, sáng sớm ba ông bạn ngồi uống cà phê, vừa bỏ điện thoại xuống bàn, Ba thợ hồ nói: Mấy nay, AFF cúp đá thấy cũng sôi động lắm nha Anh Tư.

Việt Nam mình cũng ngon lành lắm à nha, hôm qua mới thắng tiếp đội tuyển Malaysia với tỉ số 3-0. Đội tuyển Việt Nam mình, mới ra biển lớn World Cup đá thì hơi mệt, nhưng về khu vực cũng “Bất khả xâm phạm” lắm nha anh Tư.

Bất khả xâm phạm 1

Ảnh: YouTube Next Sports

Tư hưu trí trề môi nói: Thôi thôi, chú Ba đưa lên cũng đưa lên vừa vừa thôi, mới thắng có 2 trận mà chú Ba làm quá. Nhưng mà nói đi cũng nói lại: có 2 trận toàn thắng  tại AFF Cup sau những trận toàn thua ở World Cup là vui rồi chú Ba. Hy vọng cầu thủ mình lấy đà này mà vững tinh thần của đương kim vô địch AFF cup.

Ba thợ hồ hào hứng nói: Bởi tui nói, Đội tuyển Việt Nam là đương kim vô địch, là bất khả xâm phạm tại giải này mà.

Tư hưu trí tặc lưỡi nói: lại là bất khả xâm phạm. Tui thấy bây giờ nhiều cái bất khả xâm phạm nhưng vẫn ngang nhiên bị xâm phạm đầy rẫy kìa chú Ba.

Ba thợ hồ liền cà khịa: cái gì mà suy nghĩ sâu xa, sâu sắc thế anh Tư. Nói phải dẫn chứng nha.

Tư hưu trí hỏi lại: Vậy chứ tui hỏi chú Ba. Cá tra dầu là loài cá nằm trong sách đỏ của Việt Nam, nó được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xếp vào loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam, rất cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Vậy sao bây giờ vẫn có nhiều nhà hàng mua về xẻ thịt, công khai bán tràn lan trên mạng kia kìa. Các loài nằm trong sách đỏ là bất khả xâm phạm mà chú Ba.

Ba thợ hồ đồng tình nhưng nói tránh: ôi thôi, mấy ông nhậu, cái gì ngon, cái gì quý, mấy ổng thử hết, chứ mấy ổng có để ý gì sách đỏ, sách đen gì đâu anh Tư ơi.

Tư hưu trí lập luận: nói vậy đâu được chú Ba. Luật là luật. Phải có chế tài quản lý và xử lý đúng quy định. Chứ ban hành ra rồi để đó thì cũng như không.

Ba thợ hồ ậm ừ nói: Cứ cho là đúng đi anh Tư. Mà chuyện này nhỏ xíu. Anh tăng đô chuyện nào lớn lớn, rõ rõ chút coi.

Tư hưu trí cười nói: Đây nè. Lớn hơn là quyền riêng tư cá nhân của mỗi người. Hiến pháp năm 2013 có quy định: mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; bên cạnh đó, mọi người còn có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Vậy mà mấy hổm rài nổi cộm lên nhiều tin nhắn lừa đảo từ ngân hàng, tin nhắn lừa đảo dịch vụ việc làm, rồi lừa tiền, lừa tình.

Ba thợ hồ đồng thuận nói: Đúng rồi anh Tư. Cái điện thoại tui đây, tui có cho ai số hay đăng ký quảng cáo gì đâu, mà nó nhắn vào đủ trò lừa đảo hết.

Nói xong, Ba thợ hồ chìa cái tin nhắn điện thoại cho Tư hưu trí xem: đây nè anh Tư, khi không có ngân hàng nhắn vào nói: tài khoản ngân hàng của bạn có người khác khác sử dụng, nhấp vào đường dẫn sau để kiểm tra gấp. Còn tin nhắn nữa nè: Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào thời điểm này, vui lòng vào đường dẫn để kiểm tra. Ai mà lo sợ, không có kinh nghiệm, nhấp vào đường dẫn và làm theo hướng dẫn là mất tiền trong tài khoản như chơi.

Hai Sài Gòn nghe câu chuyện cũng tham gia vào: Đúng đó chú Ba. Mấy cái tin nhắn hay cuộc gọi lừa đảo thì mình phải cảnh giác. Không nên nhấp vào các đường dẫn lạ, không rõ ràng. Nhất là bây giờ, nhiều tin nhắn còn hiện giả mạo cả nhiều thương hiệu ngân hàng lớn để mà lừa đảo đó chú Ba.

Ba thợ hồ liền bồi vô: Bây giờ tụi nó tinh vi làm anh Hai ơi, nhưng đâu lừa được tui. Nè, tin nhắn tới mà nó còn ghi tên ngân hàng này, ngân hàng kia để lừa khách hàng. Mà nói thiệt tui làm gì có tiền gửi trong ngân hàng mà nhắn. Đúng là tụi này làm đại trà, lừa được ai lừa mà.

Hai Sài Gòn thông tin thêm: Vừa rồi ngân hàng Nhà nước cảnh báo, gần đây nổi lên hiện tượng tội phạm công nghệ cao giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng gửi đến điện thoại di động để lừa khách hàng truy cập, giao dịch tại trang web giả mạo ngân hàng do đối tượng phạm tội lập ra. Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo còn thay đổi phương thức, thủ đoạn là giả mạo tin nhắn, cuộc gọi thương hiệu của các ngân hàng, công ty điện lực… Nguy hiểm hơn là các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Do đó, người dùng, khách hàng của các ngân hàng, công ty điện lực… sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng hay các cơ quan hữu quan. Đây là thủ đoạn rất tinh vi và nguy hiểm.

Ba thợ hồ tặc lưỡi nói: Bởi vậy, không chỉ có tiền mà còn phải biết cách giữ tiền nữa hen anh Hai. Tui cứ nghĩ các quyền riêng tư là bất khả xâm phạm, vậy mà vẫn xảy ra.

Tư hưu trí liền chen ngang: cái đó cũng chưa nhầm nhò gì đâu chú Ba. Đến nổi bài “Quốc ca” của nước mình mà còn bị xâm phạm trên mạng kìa chú Ba.

Ba thợ hồ bức xúc: À, cái vụ bản quyền bài hát Quốc ca của Việt Nam mình chứ gì. Bài hát quốc ca bị tắt tiếng giữa trận đấu giữa Lào và Việt Nam trên nền tảng Youtube phải không anh Tư. Tui nói cái này không đùa được đâu. Quốc Ca là Quốc thể nha anh Tư.

Tư hưu trí gật đầu: đúng rồi chú Ba. Quốc ca là quốc thể. Bất khả xâm phạm. Trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào mà xem trên nền tảng mạng xã hội thì không được nghe các cầu thủ hát quốc ca. Vì lý do bản quyền âm nhạc.

Hai Sài Gòn chen vào: Vụ việc này ầm ĩ mấy nay rồi anh Tư. Đúng thiệt. Quốc ca là niềm tự hào, là sự thiêng liêng của đất nước. Mỗi người dân, ai đang làm gì, đi qua đâu mà nghe tiếng hát quốc ca đều tự ý thức đứng lại, thể hiện sự trang nghiêm trong nghi thức chào cờ. Đây là niềm tự hào, niềm hãnh diện của tất cả mọi người Việt Nam chúng ta. Cái này tui thấy là phải xử lý nghiêm, tới nơi tới chốn à. Chứ không chấn chỉnh lại sẽ có nhiều trường hợp tương tự nữa xảy ra là hông hay à.

Ba thợ hồ nghe xong liền khẳng định: Bởi anh Tư nói đúng. Nhiều cái bất khả xâm phạm nhưng vẫn ngang nhiên bị xâm phạm mà không ai nhảy vào xử lý hết. Vậy coi sao được, phải không anh Tư?