Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tìm bình yên giữa chốn núi rừng

(VOH) - Nằm giữa hồ Truồi, dưới chân dãy Bạch Mã, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hiếm có, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là nơi lý tưởng để tham quan du lịch, cũng như tĩnh tâm thiền định.

Sương hồ Truồi và mây Bạch Mã tạo nên khung cảnh mờ ảo, thoát tục. Khuôn viên cổ kính của thiền viện hiện lên như chốn bồng lai tiên cảnh. Khách đường xa đến đây như được rũ bỏ vướng bận thường tình, đắm mình trong không gian huyền ảo ở thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm này.

Đôi nét về thiền phái Trúc Lâm và thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền Việt Nam hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang, gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ. Thiền phái này được xem là tiếp nối và là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam thế kỉ thứ 12: dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là một danh lam thắng cảnh của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-1-voh
Thiền viện trúc lâm Bạch Mã - Huế (Nguồn: Internet)

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được sáng lập bởi Hòa thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ, là ngôi thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đầu tiên xây dựng ở miền Trung. Thiền viện khởi công xây dựng vào ngày 30/3/2006, đến nay đã hoàn thành gồm 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ khác.

Hành trình đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi thuộc địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đường đi đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã:

  • Từ Thành phố Huế đi về phía Nam khoảng 30 km, đến cầu Truồi.
  • Rẽ phải vào đường dẫn khoảng 10 km
  • Men theo dòng sông qua một khúc quanh đến đập Truồi
  • Cách chân đập khoảng 500m là thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, bạn cần đi đò sang.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-2-voh
Cầu Truồi dẫn đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ở Huế (Nguồn: Internet)

Tour thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Nếu bạn không tự tin vào tay lái hoặc muốn đặt tour cho thoải mái, bạn có thể dễ dàng tìm tour đi về trong ngày với giá từ 500.000 đến 900.000 (khởi hành từ Đà Nẵng). Hoặc các tour nhiều ngày, tham quan nhiều địa điểm hơn với giá từ 2.000.000 (khởi hành từ Tp.HCM, Hà Nội).

Giá vé thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã?

Nếu bạn thắc mắc giá vé tham quan thiền viện là bao nhiêu, thì tin vui là không tốn vé. Nhưng bạn sẽ phải tốn tiền đò đấy.

Vé đi đò mỗi người khoảng 20.000 đến 25.000, cộng thêm vé bảo hiểm 2.000/người. Nếu thuê trọn thuyền qua thiền viện sẽ là 240.000 cho thuyền dưới 12 người. Còn nếu thuê thuyền tham quan khu du lịch hồ Truồi thì giá 600.000, thuyền chở tối đa 20 người.

Khám phá thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Khí hậu ở dãy Bạch Mã khá ôn hòa, do vị trí gần biển (cách biển Đông 5 km đường chim bay) và ở độ cao lý tưởng (1450 m) nên nơi đây đón cả hai luồng gió từ lục địa và từ biển thổi vào. Nhiệt độ trung bình từ 19 – 21 độ C, khí hậu thích hợp cho những chuyến tham quan du lịch. Đồi thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng hồ Truồi như một đóa sen tinh khôi, tựa mình vào núi rừng Bạch Mã xanh ngút ngàn. Linh thiêng Bạch Mã cùng với suối thiền Trúc Lâm như đang giao thoa hòa quyện với nhau tạo nên sinh cảnh hữu tình, thi vị và trầm lặng giữa núi rừng.

Trong lúc ngồi thuyền sang thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy tượng Phật Thích Ca cao 24m, nặng 1.500 tấn được tạc bằng đá, đang tọa thiền trên ngọn đồi giữa hồ.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-3-voh
Tượng Phật Thích Ca trước thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được chia thành 3 khu vực: Ngoại viện nơi điện thờ chính, thờ đức Phật tổ đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực thờ Tổ sư Đạt Ma của dòng thiền phái Trúc Lâm. Tăng viện là nơi tu hành của tu sĩ nam và phật tử là nam giới, còn Ni viện là khu vực chuyên tu của tu sĩ nữ và phật tử nữ giới.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-4-voh
Ngoại viện thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế (Nguồn: Internet)

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-5-voh
172 bậc tam cấp bước lên thiền viện (Nguồn: Internet)

Để lên đến thiền viện, mọi người đều phải vượt qua 172 bậc tam cấp bằng đá. Cổng tam quan lặng lẽ uy nghi chờ bạn bên trên sẽ dần hiện rõ theo mỗi bước đi. Xung quanh được bao bọc bởi núi rừng nguyên sinh, cây cối tươi tốt, những vườn hoa được săn sóc nhẹ nhàng điểm sắc cho khuôn viên. Đến đây bạn như lạc vào cõi Niết-bàn thanh tịnh vô ưu, tạm gác sang bên tất cả những muộn phiền thế tục, hít thở bầu không khí thanh mát làm dịu tận đáy tâm hồn.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-6-voh
Qua cổng tam quan, bước chân vào thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Đến với thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật của Phật giáo, những họa tiết cổ kính mái chùa cong vút đầu đao.

Gác chuông của thiền viện được thiết kế theo lối kiến trúc đình chùa truyền thống, gồm hai tầng tám mái cong đầu đao, lợp ngói mái vẩy, xung quanh chạm khắc hoa cành, hình rồng sinh động.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-7-voh
Gác chuông thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Bên trong thiền viện thoáng đãng và ấm cúng, thiết kế bằng gỗ, mang đậm quy thức kiến trúc cổ Việt Nam. Cửa gỗ bên trên có chắn song con tiện, cửa bức bàn cao chừng nửa mét ngăn giữa bên ngoài hành lang và bên trong nhà. Đây là một nét kiến trúc vô cùng tinh tế của của người Việt xưa, ngụ ý khi khách đến nhà sẽ giữ ý tứ không xông thẳng vào cửa mà phải từ tốn nhấc chân bước qua bức bàn.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-8-voh
Bên trong thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Đứng đây trong không gian thiền định, ngửi thấy làn hương trầm, nghe một tiếng chuông thiền vang lên, con người ta như hòa nhã thoát tục, bình tâm mà nhìn ngắm núi sông.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-9-voh
Cảnh đẹp hồ Truồi xung quanh thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Tại thiền viện còn có các khóa thiền, tu tập ngắn hạn. Đến đây, các bạn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ vật dụng điện tử nào, không điện thoại, máy tính, hoàn toàn thả lỏng cơ thể, tận hưởng sự yên bình giữa thiên nhiên.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-10-voh
Các thiền sinh trẻ ở thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: baothuathienhue)

Nơi đây có đặc sản gì không?

Thiền viện nằm ở hồ Truồi, nơi có dâu Truồi và mít nổi tiếng vùng đất Phú Lộc này. Các bạn đến tham quan du lịch có thể tìm mua một ít để thưởng thức hoặc làm quà nhé.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-11-voh
Dâu Truồi nổi tiếng ngon ngọt ở Phú Lộc (Nguồn: Internet)

Một số lưu ý khi đến thăm thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

  • Trong khuôn viên thiền viện không có quầy bán thức ăn, bạn nên tự mang theo đồ ăn và thức uống.
  • Trong thiền viện không quy định bắt buộc phải giữ im lặng. Tuy nhiên các bạn không nên nói chuyện lớn tiếng, vì đây là nơi thiền định, tịnh tâm.
  • Nếu đi vào mùa đông, bạn nên mang theo quần áo ấm, khăn quàng cổ, đặc biệt là áo khoác chống thấm nhẹ, vì thường có sương mù và mưa phùn.

den-thien-vien-truc-lam-bach-ma-tim-binh-yen-giua-chon-nui-rung-12-voh
Hoàng hôn trên hồ Truồi, dãy Bạch Mã xung quanh thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Nguồn: Internet)

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một trong tám thiền viện đẹp nhất Việt Nam, nơi sơn thủy giao hòa, khí hậu mát mẻ. Nếu bạn là người đam mê du lịch khám phá, hoặc yêu thích thiền tự, kiến trúc cổ, hãy ghé thăm nơi đây ít nhất một lần để tự mình trải nghiệm cảm giác rũ bỏ những bộn bề náo nhiệt chốn hồng trần, đắm mình trong hồi chuông tiếng mõ giữa thiên nhiên hoang sơ bình lặng.

Đôi nét về Chùa Hoằng Pháp, ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam: Không chỉ nổi tiếng vì rộng lớn và có cảnh chùa đẹp, chùa Hoằng Pháp còn khiến người người nhắc đến nhờ vào các hoạt động thiện ích, những khóa tu mùa hè và những bài kinh giảng đạo sâu sắc.
Phong Nha Kẻ Bàng – thiên đường của nhân loại, bạn còn chần chờ gì mà chưa đi?: Hãy đi Phong Nha Kẻ Bàng ít nhất một lần để tận mắt nhìn thấy khung cảnh ‘rừng núi trùng trùng điệp điệp’, mùa nước xanh ngọc bích mà các nhà văn đã miêu tả đẹp như thế nào.
Bình luận