Chờ...

Hội Lim – nét đẹp văn hóa đặc sắc của xứ sở quan họ Bắc Ninh

Hội Lim - lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh, đã và đang thu hút rất nhiều khách tham quan. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn đôi nét về lễ hội nổi tiếng trên.

Mỗi tỉnh, thành trên đất nước ta đều có những lễ hội văn hóa riêng tạo nên dấu ấn của vùng miền. Nếu Hải Phòng có lễ hội Chọi Trâu, Hà Nội nổi tiếng với lễ hội Chùa Hương thì Bắc Ninh lại được biết đến với Hội Lim – lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của người dân xứ Kinh Bắc. Bài viết này sẽ đưa các bạn đến “cái nôi” quan họ Bắc Ninh để có cái nhìn rõ nét hơn về nét đẹp văn hóa nổi tiếng trên.

                                               voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-0

         Hội Lim - lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa quan họ Bắc Ninh (Nguồn: Internet)

Vài nét cơ bản về Hội Lim

Để có cái nhìn toàn diện hơn về Hội Lim, trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu vài nét cơ bản về lễ hội này. 

Nguồn gốc lễ hội

Theo lời kể của người dân Bắc Ninh, Hội Lim được hình thành từ những hội hát, dệt lên từ câu chuyện tình buồn Trương Chi – Mỵ Nương. Tương truyền rằng, Trương Chi là một chàng trai lái đò có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại được trời phú cho giọng ca say đắm lòng người. Tiếng hát của chàng đã làm động lòng Mỵ Nương – cô con gái nhà quan với vẻ ngoài xinh đẹp, thướt tha.

Trương Chi đem lòng yêu thích Mị Nương nhưng chàng tự ti, mặc cảm với vẻ ngoài của xấu xí nên trầm mình xuống dòng Tiêu Tương. Thân xác tan biến, trái tim của chàng hóa thành viên ngọc, được Mị Nương làm thành chiếc chén uống nước, ngày ngày nhớ thương. Lạ lùng thay, mỗi lần uống nước, Mị Nương lại như nghe thấy giọng hát trong trẻo của Trương Chị, nàng khóc, nước mắt rơi xuống làm vỡ chén ngọc, hòa vào dòng Tiêu Tương. Từ đó, những câu hát của chàng Trương Chi được người dân quanh vùng lưu truyền ngàn đời như để gợi nhắc về mối tình tuy đẹp nhưng đẫm nước mắt này.

Lịch sử hình thành

Hội Lim là một lễ hội có nguồn gốc lịch sử lâu đời tại Bắc Ninh, được phát triển từ các lễ hội của các làng thuộc tổng Nội Duệ. Bao gồm: Nội Duệ, Nội Duệ Nam, Nội Duệ Khánh, Xuân Ổ, Lũng Bao và phường hát cửa đình Tiên Du ( Duệ Đông bây giờ). Lễ hội diễn ra vào ngày 13 tháng giêng hàng năm.

Để Hội Lim này được phát triển như ngày nay là dựa vào công lớn của viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, làng Nội Duệ. Ông đã quyên góp đất đai và của cải của bản thân để sửa sang lại đình, mở rộng và cho tổ chức lại lễ hội vào tháng Tám hàng năm, góp phần lưu truyền dấu ấn văn hóa lịch sử đến thời nay.

Đến hơn 40 năm sau, Hội Lim lại được tiếp tục phát triển về quy mô nhờ sự đóng góp của tướng công Nguyễn Đình Diễn – người con của thôn Đình Cả, làng Nội Duệ. Ông đã dời thời gian tổ chức lễ hội từ mùa thu sang mùa xuân, cụ thể là vào tháng Giêng hàng năm. 

                                              voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-1

 Lăng Hồng Vân - lăng thờ tướng công Nguyễn Đình Diễn là nơi tổ chức lễ Hội Lim (Nguồn: Internet)

Hội Lim được duy trì tổ chức trong suốt thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX. Sau đó, do cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ xâm lược, lễ hội bị ngừng tổ chức và được bắt đầu mở lại vào những năm sau đổi mới.

Hội Lim được tổ chức ở đâu?

Lễ hội này được diễn ra ở các khu vực xung quanh núi Lim và hai bờ sông Tiêu Tương. Đây là những địa điểm thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tiên Du là một huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố 5km và cách thủ đô Hà Nội 25km về hướng bắc. Đến với Tây Du bạn có thể sử dụng ô tô hoặc tàu thông qua hệ thống đường sắt nối liền với thành phố Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Những hoạt động của lễ hội Lim

Cũng như bao lễ hội truyền thống khác, Hội Lim ở Bắc Ninh cũng được chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Mỗi phần đều mang một nét độc đáo, hấp dẫn riêng nên thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham gia.

Phần lễ

Hàng năm, đúng ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, Hội Lim sẽ được bắt đầu với nghi lễ rước vào sáng sớm. Đoàn rước kéo dài hàng km, bao gồm cả già lẫn trẻ, cả trai lẫn gái mặc trên mình những bộ trang phục đậm chất quan họ: nam thì áo the, nữ thì mớ ba mớ bảy.

                                                  voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-2

Đoàn rước tại Hội Lim 2019 thu hút đông đảo người tham gia với những bộ cầu áo cầu kì, tinh xảo (Nguồn: Internet)

Đoàn người đứng đầu là các bô lão, trưởng làng, trưởng tổng cùng đi đến lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Một trong các nghi thức tế thần đó là hát quan họ thờ thần. Lúc này các liền anh liền chị sẽ hát từ ngoài vọng vào những bài hài, lời ca biết ơn, ca ngợi công lao của thần.

                                               voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-3

           Nghi lễ tế thần được chủ trì bởi các già làng có uy tín trong thôn (Nguồn : Internet)

Phần hội

Đến với phần hội, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những liền anh, liền chị trong các bộ áo the dài, áo tứ thân duyên dáng đối đáp với nhau bằng những câu hò đi sâu vào lòng người. Những đôi trai gái đứng trên thuyền giữa dòng Tiêu Tương, trao gửi cho nhau tình cảm lứa đôi chân thành, tha thiết, gửi gắm tấm lòng thủy chung, một lòng chờ đợi bằng những làn điệu nhẹ nhàng, tinh tế mà hết sức ý nhị.

                                                 voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-4

Những câu hò tha thiết, chan chứa tình cảm lứa đôi sẽ để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng người đến Hội Lim (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ được tham gia vào những trò chơi mang đậm âm hưởng dân gian như: dệt cửi, nấu cơm, đu tiên, đấu võ, đấu cờ,... Không khí sôi động, náo nhiệt của các trò chơi này đảm bảo sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.

                                                     voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-5

Đấu vật - một trong những trò chơi dân gian tại Hội Lim được du khách  yêu thích (Nguồn: Internet)

 

                                             voh.com.vn-hoi-lim-bac-ninh-anh-6

    Đấu cờ người - trò chơi dân gian độc đáo tại Hội Lim, thu hút rất nhiều người đến xem (Nguồn: Internet)

Ngoài Hội Lim, ở Tây Du cũng có rất nhiều lễ hội truyền thống gợi nhắc về vẻ đẹp đặc trưng nơi đây như: Lễ hội Khán Hoa (mùng 4 tháng Giêng), lễ hội Long Khám (16 tháng Giêng), lễ hội Phúc Nghiêm (17 tháng 2),... Bạn có thể tìm hiểu và đến tham gia vào những lễ hội này để có cảm nhận sâu sắc hơn về nét văn hóa đặc sắc của Bắc Ninh.

Hội Lim – Bắc Ninh đã và đang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ là một lễ hội đơn thuần, đây là sự tiếp nối lịch sử, đúc kết những tinh hoa của văn hóa Quan họ - di sản phi vật thể của nước ta. Mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ có cho mình những thông tin có ích về Hội Lim và hãy thử một lần đến đây trải nghiệm nhé.