Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Kinh nghiệm du lịch Hoàng thành Thăng Long cho người mới đi lần đầu

( VOH ) - Đi du lịch đến Hoàng thành Thăng Long như thế nào? Có địa điểm tham quan gì thú vị? Ăn uống và cư trú ở đâu? Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin trên.

Trái ngược với cuộc sống hiện đại, tấp nập của phố xá và nhà cao tầng, Hoàng thành Thăng Long trầm mặc, tĩnh lặng giữa lòng Hà Nội, chứng kiến bao thời kỳ dựng nước và giữ nước. Đến với nơi đây, bạn có cơ hội ôn lại lịch sử, lắng đọng trong không gian cổ kính, uy nghiêm bậc nhất của các vị vua chúa. Bài viết sau sẽ tổng hợp những kinh nghiệm để giúp bạn có một chuyến tham quan thuận lợi và đầy thú vị. 

Tổng quan về Hoàng thành Thăng Long

Không phải đơn giản để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hoàng thành Thăng Long mang nhiều giá trị lịch sử mà rất hiếm kinh thành nào có được:

  • Hoàng thành là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, kéo dài liên tục qua 13 thế kỷ các vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn.

  • Nơi đây là minh chứng cho sự giao thoa đa dạng, đặc sắc về văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc mỹ thuật qua từng thời kỳ.  

  • Hoàng thành Thăng Long còn mang ý nghĩa toàn cầu, là dấu ấn cho tinh thần bất khuất của một đất nước thuộc địa vùng lên giành lại độc lập.

Hoàng thành Thăng Long ở đâu?

Thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Hoàng thành có tổng chiều dài 18.395ha, các mặt giáp với những tuyến đường trung tâm thành phố và tòa nhà Quốc Hội. Với diện tích lớn và giao thông thuận lợi, đây là địa điểm tham quan không khó để tìm thấy dù là bạn mới đi du lịch lần đầu. 

Cổng chính của Hoàng Thành nằm trên đường Hoàng Diệu, phía trước là bãi đỗ xe rộng rãi nên bạn có thể đi bằng xe ô tô, xe máy, xe đạp, xe bus đều được. Gợi ý nếu đi xe bus thì bạn bắt tuyến xe số 22 sẽ dừng ở trước cổng thành. 

Nên đi du lịch hoàng thành Thăng Long vào thời gian nào?

Bạn có thể đến đây tham quan vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng nếu bạn không muốn tham quan dưới cái nắng chói chang hay những trận mưa ẩm ướt, thì mùa thu Hà Nội sẽ là lựa chọn sáng suốt dành cho bạn. 

Điều quan trọng cần lưu ý là Hoàng thành sẽ mở cửa các ngày trong tuần trừ thứ Hai. Thời gian tham quan buổi sáng là 8h đến 11h30, chiều từ 14h tới 17h. Sắp xếp thời gian đi tham quan để không phải chờ đợi bạn nhé. 

Các địa điểm tham quan, vui chơi ở hoàng thành Thăng Long

Sau nhiều lần bị phá hủy và phục dựng, hoàng thành Thăng Long vẫn còn sót lại các dấu tích lịch sử, văn hóa cổ xưa, mà hiện nay đã trở thành những địa điểm tham quan thu hút khách du lịch.

Khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Nằm ở phía đông của kinh thành Đại La (tên cũ của Thăng Long dưới thời nhà Đường, Trung Quốc cai trị). Đây là khu vực khai quật được nhiều dấu tích lịch sử còn sót lại như nền nhà, các cột móng trụ kiên cố, giếng cổ, phù điêu,... Qua đó, cung cấp cho chúng ta kiến thức về mỹ thuật, văn hóa, kiến trúc riêng của các triều đại. 

voh.com.vn-hoang-thanh-thang-long-anh-0
Khu khảo cổ Hoàng Diệu mang nhiều tầng kiến trúc các thời vua (Nguồn: Internet)

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội là một công trình kiến trúc kiên cố cao nhất của Hà Nội thế kỷ XIX, đến nay gần như vẫn giữ nguyên hình dạng, tường gạch dù bị ngả màu và bào mòn nhưng vẫn thấy được những hoa văn bên trên. Cột cờ cao 60m chia làm ba phần là thân cột và vọng canh, được bao bọc bởi phần chân đế rộng 2007m2. Với lá cờ Tổ Quốc tung bay trong gió, tượng trưng cho tinh thần bất khuất của ông cha ta, làm sống dậy trái tim yêu nước trong mỗi người Việt Nam. Đây chắc chắn là một địa điểm check in bạn không thể bỏ qua khi đến tham quan hoàng thành Hà Nội. 

voh.com.vn-hoang-thanh-thang-long-anh-1
Cột cờ Hà Nội vẫn kiên cố cho đến bây giờ (Nguồn: Internet)

Đoan Môn

Đoan Môn là cổng chính dẫn vào Cấm Thành, thẳng trục với Cột cờ Hà Nội, cũng là trục chính tâm của hoàng thành. Đoan Môn được thiết kế theo kiểu cổng thành cổ xưa, với 5 cửa vòm xây bằng đá và gạch vồ thời Lê. Cửa ở giữa là lối đi của vua chúa, 4 cửa hai bên dành cho các quan lại cận thần. 

voh.com.vn-hoang-thanh-thang-long-anh-2
Đoan Môn là cổng thành dẫn vào chính điện (Nguồn: Internet)

Điện Kính Thiên

Đi qua Đoan Môn sẽ dẫn thẳng đến điện Kính Thiên. Đây là khu trung tâm trọng điểm của triều đình, nơi diễn ra các buổi thiết triều và nghi lễ lớn. Dấu tích còn lại của điện Kính Thiên chỉ là khu nền cũ, nhưng với diện tích nền ngang 41.5m, dài 57m và cao 2.3m cũng đủ thấy quy mô hoành tráng của cung điện xưa. 

Nổi bật nhất vẫn là thềm điện ở phía nam với 10 bậc thang xây bằng những phiến đá hộp lớn. Bốn con rồng đá chia bậc thềm thành 3 lối đi, nên có tên là Thềm Rồng. Tại đây các bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc rồng đặc trưng của thời Lê: đầu rồng to, nhô cao, mắt to lồi, sừng dài có nhánh, thân uốn lượn với các vảy được trạm trổ cầu kỳ. 

voh.com.vn-hoang-thanh-thang-long-anh-3
Rồng trước điện Kính Thiên mang nghệ thuật điêu khắc đặc trưng thời Lê (Nguồn: Internet)

Nhà D67

Một công trình khác không phải của các triều đại trước, mà được xây vào những năm kháng chiến chống Mỹ: Nhà D67 khu A Bộ Quốc Phòng. Nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 là hệ thống đường hầm đồ sộ, kiên cố, có thể chống được bom và tên lửa hạng nặng. 

Bên trong hầm có phòng họp, các phòng cho thư ký, phòng để máy móc, điện đài và cuối cùng là phòng thông hơi, lọc khí chạy điện. Tất cả hệ thống hầm đều sử dụng điện từ hệ thống máy phát được nhập từ Liên Xô.  

Nhà D67 là nơi đã đưa ra những quyết định lịch sử của cách mạng Việt Nam: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Tổng tiến công 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. 

voh.com.vn-hoang-thanh-thang-long-anh-5
Nhà và hầm D67 là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng mang tính lịch sử (Nguồn: Internet)

Kinh nghiệm đi Hoàng thành Thăng Long 

Bên cạnh việc tham quan các địa điểm thú vị kể trên, đối với những bạn mới đi lần đầu thì cần lưu ý những vấn đề sau:

Ăn gì ở Hoàng thành Thăng Long?

Xung quanh Hoàng thành có rất nhiều quán ăn nổi tiếng ngon và rẻ, đậm đà hương vị Hà Nội như:

  • Bún chả Cao Bá Quát (38A Cao Bá Quát) hay Bún chả Huyền Linh (136 Ngọc Hà)

  • Thắng Béo - Nộm Nem Tai (10G Tôn Thất Thiệp)

  • Mì Vằn Thắn, Hủ Tíu & Bánh Cuốn (96 Cửa Bắc)

  • Lan Anh - Các món lươn (9 Lê Duẩn)

  • Thai Food - Bún hải sản và lẩu Thái (46 Phan Đình Phùng)

Những điều lưu ý khi du lịch Hoàng thành Thăng Long

Đây là những quy định mà khách tham quan phải tuân thủ theo để tránh những rắc rối không đáng có: 

  • Tham quan theo chỉ dẫn của sơ đồ.

  • Không mang vũ khí, chất gây cháy nổ, thực phẩm có mùi hôi vào khu di tích.

  • Trang phục lịch sự, không làm những hành động phản cảm (xả rác, giẫm chân lên cỏ, leo trèo lên các di sản,...).

  • Đoàn du lịch có thể liên hệ phòng Hướng dẫn Thuyết minh để được cung cấp dịch vụ. 

  • Quay phim, dựng phim phải có sự cho phép của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội. 

Đến với Hoàng thành Thăng Long, bạn sẽ như được đắm mình trong lịch sử, quay trở về các triều đại huy hoàng của vua chúa thời xưa. Qua các kinh nghiệm kể trên, bạn đã có thể sẵn sàng để lên đường đi khám phá khu di tích cổ xưa này rồi. Và cũng đừng quên ghé qua các địa điểm du lịch lân cận rất nổi tiếng ở Hà Nội như Lăng Bác, chùa Một Cột, Hồ Gươm,..

Chân cầu Vĩnh Tuy – Nét đẹp trong văn hóa du lịch tại Hà Nội: Nhiều người tìm đến chân cầu Vĩnh Tuy để tận hưởng cảm giác yên bình đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Điều gì khiến nhiều người lựa chọn đến như vậy?
Cẩm nang du lịch Hoàng Su Phì - Hà Giang từ A đến Z: Bạn đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch Hoàng Su Phì? Bạn đang băn khoăn không biết địa điểm này có gì đặc biệt và hấp dẫn? Hãy cùng chúng tôi khám phá nhé!
Bình luận