Cách dạy trẻ việc bếp núc theo từng lứa tuổi

(VOH) - Nấu ăn là một kỹ năng sống có giá trị, giúp trẻ em hiểu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, cũng như xây dựng các kỹ năng toán học, khoa học và vận động tinh tế.

Tham gia vào hoạt động nấu ăn cùng cha mẹ có thể là niềm vui cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Dù trẻ bắt đầu công việc này từ lúc mấy tuổi đi chăng nữa thì cũng có thể giúp trẻ “nuôi nấng” tình yêu với công việc bếp núc cho tới khi trưởng thành.

Để khuyến khích sự quan tâm của trẻ với công việc bếp núc và khơi gợi cảm hứng ăn uống, lựa chọn thức ăn lành mạnh, cha mẹ nên dạy trẻ một số công việc bếp núc tùy theo từng lứa tuổi.

Trang bị cho trẻ khái niệm cơ bản về an toàn thực phẩm

Trước khi đưa con vào bếp và dạy trẻ các công việc liên quan tới nấu nướng, hãy hướng dẫn trẻ các quy tắc cơ bản:

• Rửa tay sạch bằng nước và xà bông trước và sau khi xử lý thực phẩm.

• Buộc/quấn tóc gọn gàng.

• Giữ cho bếp, khu vực nấu nướng sạch sẽ.

• Chỉ nếm khi thức ăn đã được nấu chín. Đừng để trẻ liếm ngón tay hoặc đưa tay vào miệng, đặc biệt là khi chế biến các loại thực phẩm thô như bột, thịt sống.

• Giữ thịt và hải sản sống tách biệt với thức ăn đã chín.

• Luôn giám sát trẻ khi trẻ ở trong bếp.

Các công việc bếp núc phù hợp với lứa tuổi

* Trẻ dưới 3 tuổi

Theo các chuyên gia, trẻ em từ khoảng 18 tháng tuổi đã có dấu hiệu muốn “giúp việc” trong nhà bếp. Nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng trẻ nghịch ngợm và phá quấy nhưng nếu biết tận dụng sự đam mê này của trẻ, cha mẹ có thể dạy trẻ nhiều điều.

nấu ăn, kĩ năng nấu ăn, để con vào bếp

Trẻ dưới 3 tuổi cũng có thể tập làm quen với việc chế biến đồ ăn nếu có sự hướng dẫn của cha mẹ (Ảnh: Fireflies and Mud Pies)

Tuy nhiên, khi trẻ vào bếp, cha mẹ cần đảm bảo rằng trẻ có thể tránh xa các mối nguy hiểm như tay cầm nồi nóng, thực phẩm nóng, nước nóng, dao sắc... 

Nhiệm vụ phù hợp:

  • Rửa trái cây và rau củ trong bồn rửa - đây là một cách tuyệt vời để dạy trẻ tên các loại rau và tạo ra sự quan tâm của trẻ với rau và khiến trẻ sẵn sàng thử ăn các món rau.
  • Nghiền khoai tây luộc bằng nĩa.
  • Đóng mở hộp nhựa đựng đồ ăn.

* Trẻ từ 3-5 tuổi

Trẻ từ 3 đến 5 tuổi có ý thức hơn và có thể thực hiện nhiều kỹ năng hơn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quyết định cho trẻ 3 - 5 tuổi tập một số công việc bếp núc thì cần giám sát chặt chẽ vì kỹ năng vận động của chúng vẫn đang phát triển.

nấu ăn, kĩ năng nấu ăn, để con vào bếp

(Ảnh: Raising Edmonton)

Nhiệm vụ phù hợp:

  • Rửa tay bằng nước và xà phòng trong ít nhất 20 giây.
  • Rửa trái cây và rau củ
  • Bóc vỏ trứng luộc – nhớ là nên để trứng nóng dưới nước lạnh trước khi bóc
  • Cắt các thực phẩm mềm như bơ, nấm, dâu tây bằng dao nhựa
  • Trộn - dùng thìa hoặc tay để trộn các loại thực phẩm với nhau
  • Sử dụng chày và cối giã đậu phộng, mè…
  • Nhào bột – đây là hoạt động mà trẻ em khá thích thú
  • Lau sạch bàn.

* Trẻ từ 6-7 tuổi

Hầu hết trẻ em từ 6-7 tuổi đã phát triển kỹ năng vận động tốt, vì vậy chúng có thể xử lý công việc chi tiết hơn, nhưng chúng vẫn sẽ cần nhắc nhở về an toàn thực phẩm.

Nhiệm vụ phù hợp:

  • Nhặt rau
  • Cắt thực phẩm bằng kéo – hãy dùng loại kéo nhỏ cho trẻ em để cắt nhỏ các loại rau thơm.
  • Gọt vỏ khoai tây, bí xanh, xoài và các loại trái cây và rau quả khác.
  • Rửa sạch và cắt rau, củ.
  • Bóc vỏ cam bằng tay.
  • Đập trứng vào tô.

* Trẻ từ 8-9 tuổi

Khi trẻ từ 8 tuổi trở lên, chúng có thể bắt đầu tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện công việc bếp núc độc lập hơn. Dù sao, cha mẹ cũng vẫn cần giám sát trẻ để giảm các nguy hiểm trong nhà bếp.

Nhiệm vụ phù hợp:

  • Mở lon, mở hộp sữa.
  • Cho thức ăn thừa vào các hộp và bảo quản trong tủ lạnh.
  • Tìm nguyên liệu trong tủ lạnh
  • Pha nước chanh hoặc cam.
  • Cắm cơm
  • Làm món salad

* Trẻ từ 10-12 tuổi

Trẻ em lứa tuổi 10-12 có thể làm việc độc lập trong nhà bếp, nhưng vẫn nên có sự giám sát của người lớn. Trước khi để những đứa trẻ này tự làm các công việc nấu nướng như người trưởng thành, hãy đánh giá xem chúng có tuân thủ các quy tắc cơ bản trong bếp như rửa chảo, tháo các thiết bị điện, sử dụng dao và sử dụng lò nướng hoặc lò vi sóng một cách an toàn.

nấu ăn, kĩ năng nấu ăn, để con vào bếp

(Ảnh: Foodal)

Nhiệm vụ phù hợp (với sự giám sát của người lớn):

  • Luộc mì ống.
  • Làm chín thực phẩm bằng lò vi sóng.
  • Thực hiện theo công thức nấu ăn, bao gồm đọc từng bước theo thứ tự và ước lượng/đo các thành phần một cách chính xác.
  • Cắt hoặc cắt rau thật nhỏ.

* Trẻ từ 12 tuổi trở lên

Ở độ tuổi 12 trở lên, trẻ có thể bắt đầu thực hiện các công thức nấu ăn phức tạp hơn và thậm chí bắt đầu ứng biến khi ở trong bếp – điều này phụ thuộc vào mức độ yêu thích công việc bếp núc và số lượng thời gian mà chúng thử làm bếp trước đây.

nấu ăn, kĩ năng nấu ăn, để con vào bếp

Trên 12 tuổi trẻ đã có thể tập nấu ăn theo các công thức (Ảnh: Everett Herald)

Các công thức nấu ăn mà trẻ trên 12 tuổi có thể làm:

  • Chiên trứng, làm trứng ốp la
  • Làm các món luộc: thịt, rau
  • Pha chế các món nước uống…

Khi trẻ học nấu ăn, chúng sẽ làm từng bước theo công thức một cách cẩn thận với sự giúp đỡ của cha mẹ. Tuy nhiên, khi lớn hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, chắc chắn chúng thử nghiệm và sáng tạo hơn trong cách nấu như tăng giảm nguyên liệu hay rút ngắn các bước chế biến…

Hãy khuyến khích trẻ làm điều này và đừng ngại thử các món mới mà trẻ sáng tạo ra để tạo động lực nấu nướng cho trẻ khi lớn lên.

Các hoạt động bếp núc trên được các chuyên gia khuyên nên hướng dẫn cho trẻ. Tuy nhiên, tùy vào nhận thức và sự khéo của trẻ khi học các kĩ năng nấu nướng, cha mẹ hãy sẵn sàng dạy cho con các kĩ năng phức tạp hơn để trẻ có thể làm quen sớm với công việc nấu nướng và giúp trẻ tự tin hơn khi làm các công việc bếp núc.

>>> Dạy trẻ cách tiêu tiền lì xì hợp lý

>>> Làm thế nào dạy dỗ trẻ “nổi loạn”

>>> Dạy trẻ yêu thương cơ thể là tự bảo vệ khỏi bị xâm hại

Bình luận